Rau quả có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng

Thứ Hai, 12/04/2021, 06:47
Trong quý I/2021, bất chấp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu (XK) rau quả ghi nhận tín hiệu tích cực tại các thị trường, điển hình là Trung Quốc.


Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, rau quả là mặt hàng có mức tăng trưởng XK ấn tượng của ngành nông nghiệp trong suốt nhiều năm qua với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14,1%.

Quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trị giá XK hàng rau quả tới thị trường Đài Loan, Australia và Malaysia tăng rất mạnh. Cụ thể, trị giá XK sang thị trường Đài Loan đạt 12,87 triệu USD, tăng 43,1%; thị trường Australia đạt 11,9 triệu USD, tăng 30,6%; thị trường Malaysia đạt 9,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhóm hàng rau quả đã qua chế biến sẽ giúp toàn ngành gia tăng giá trị xuất khẩu.

Đặc biệt, hàng rau quả XK chủ yếu tới thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021, đạt 352,83 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 62,5% tổng trị giá XK rau quả của Việt Nam. XK sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh là do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán.

Hiện, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn thứ 2 với thị phần chiếm khoảng 4 - 5% tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng XK bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 24,4%. Năm 2020, kim ngạch XK rau quả sang Hoa Kỳ đạt 168,8 triệu USD, duy trì mức tăng trưởng 12,5%, bất chấp bối cảnh thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 bùng phát năm 2020. 2 tháng đầu năm 2021, XK rau quả sang Hoa Kỳ đạt 23,4 triệu USD, tăng 3,7%, chiếm 4,2% tỷ trọng XK toàn ngành.

Tính đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép XK sang Hoa Kỳ gồm thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài. Tuy nhiên lượng xuất không đáng kể, chiếm thị phần nhỏ do các chi phí như vận chuyển, bảo quản, kiểm dịch, xử lý chiếu xạ… liên quan đến XK trái cây tươi còn cao nên kém cạnh tranh so với các nước có địa lý gần hơn.

Tuy nhiên, XK hàng rau quả chế biến lại có mức tăng trưởng khá khả quan do sự thay đổi về nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, đây là chủng loại chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu và chiếm ưu thế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Trên thực tế, bên cạnh các thị trường truyền thống, ngành hàng rau quả của Việt Nam đã đẩy mạnh XK sang nhiều thị trường tiềm năng lớn khác như: Ai Cập, Kuwait, Ukraina, Senegal… Đây kỳ vọng sẽ là những thị trường giúp ngành hàng rau quả Việt Nam nâng cao giá trị XK trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhóm hàng rau quả đã qua chế biến sẽ giúp toàn ngành gia tăng giá trị XK.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, trong năm 2021, triển vọng XK rau quả của Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ FTA đã có hiệu lực. Theo đó, việc tận dụng tính hiệu lực của các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA… đang giúp mở đường ra cho các DN tăng kim ngạch XK rau quả trong năm nay. Bởi, với EVFTA, rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất. 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Đặc biệt, việc giảm thuế theo EVFTA sẽ giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn để tiến vào thị trường châu Âu. Hiện EU là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ tư của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, cơ hội mở ra cho nông sản, rau quả của Việt Nam vào các thị trường là rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy XK rau quả, các DN phải có sự đầu tư bài bản như vùng trồng phải đạt Global GAP, nhà máy phải có chứng nhận ISO, chứng nhận xã hội, môi trường... Đây là những thứ cần có trước khi đàm phán với đối tác.

Khi đã có khách hàng, điều cần thiết là DN phải tiếp tục duy trì các điều kiện này, tránh tình trạng lô hàng XK bị hủy do không đáp ứng các điều kiện, yêu cầu đặt ra… Do vậy, DN XK nên tăng cường đầu tư vào sản phẩm chế biến, bảo quản hàng rau quả đáp ứng các yêu cầu về XK trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, thiên tai dự báo vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021.

Lưu Hiệp
.
.
.