Xuất khẩu lớn, doanh nghiệp dệt may vẫn khó cạnh tranh trên sân nhà

Chủ Nhật, 25/01/2015, 09:31
Dự báo thị trường dệt may toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,5% (số liệu Sở Công thương TP Hồ Chí Minh) cùng với việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp (DN) ngành Dệt may xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện ngành Dệt may trong nước đang rất khó khăn trong khi nhiều DN nước ngoài (FDI) đang đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam để “đón đầu” cơ hội hiếm có này…

Tổng kết năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may đạt gần 24,5 tỉ USD (tăng 19% so với năm 2013). Ngành Dệt may Việt Nam đã đạt vị trí thứ hai xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Nhật Bản. Dự kiến đến giữa năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia TPP, theo đó ưu đãi về thuế do TPP mang lại đã tác động lớn đến các DN xuất khẩu và các DN kỳ vọng sẽ mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ.

Hiện, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chịu thuế suất khoảng 17-18%, khi TPP được ký kết, thuế suất này sẽ giảm dần xuống 0%. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ luôn tăng 12-13%/năm, trong khi Mỹ nhập khẩu hàng dệt may của thế giới chỉ tăng 3%, và hiện hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm khoảng 9% tỷ trọng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ. Như vậy, thị trường Mỹ vẫn đang còn rộng mở đối với hàng may mặc đến từ Việt Nam. Ngoài ra, tại thị trường EU, đến thời điểm này, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị nhập khẩu hàng dệt may, nhưng khi FTA Việt Nam – EU được ký kết, thì mức thuế hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này sẽ từ 12% trở về 0%...

Hiệp định TPP được ký kết, dệt may sẽ được hưởng lợi lớn từ việc ưu đãi thuế.

Với những cơ hội mở ra rất lớn như vậy, ngành Dệt may thật sự đang rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), để tận dụng được cơ hội từ TPP, ngành Dệt may cần phải tăng tỷ lệ nội địa hoá, hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế – nguyên phụ liệu – may – phân phối, và phải cộng đồng trách nhiệm để xây dựng năng lực cạnh tranh của toàn chuỗi. 

Trong khi các DN trong nước đang loay hoay với nguồn nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu thì các DN FDI rất hồ hởi, đổ xô vào Việt Nam để đầu tư các trung tâm sản xuất hàng dệt may xuất khẩu nhằm hưởng lợi từ việc ưu đãi thuế TPP của Việt Nam. Trong năm 2014, đã có gần 20 dự án FDI mới đầu tư vào lĩnh vực dệt may, đa phần các DN đến từ Trung Quốc như tập đoàn Haputex Development Limited (Hong Kong) đã liên doanh đầu tư 120 triệu USD lập Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile Limited tại Bình Dương, chuyên về lĩnh vực dệt vải… Ông Trần Công Khanh – Chánh Văn phòng Hepza cho biết, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đã có những dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực dệt may cao cấp tại các KCX-KCN TP Hồ Chí Minh...

Kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may đạt gần 24,5 tỉ USD nhưng vẫn khó cạnh tranh trên sân nhà.

Thực trạng trên cho thấy, cơ hội lớn đang đến đối với các DN dệt may xuất khẩu. Do vậy, để được hưởng các ưu đãi thuế từ TPP thì không còn con đường nào khác là ngay từ bây giờ các DN dệt may trong nước cần phải thay đổi chính mình và nỗ lực hơn nữa để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh khốc liệt ngay tại sân nhà với các DN FDI.                                                                          

T.Hà
.
.
.