Ngày thứ hai xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm:

Thẩm vấn hành vi kinh doanh vàng và tài chính trái phép

Thứ Ba, 02/12/2014, 09:06
Sáng 1/12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

 Do sự cố bất ngờ về sức khỏe khiến bị án Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, đã bị choáng ngất trong ngày xét xử đầu tiên nên ngày thứ hai, bị án Thanh vẫn đang nằm điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Vị Chủ tọa thông báo, trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết thì HĐXX sẽ công bố các lời khai của bị án này. Toàn bộ thời gian trong ngày, HĐXX tập trung thẩm vấn các bị cáo về hành vi kinh doanh vàng trái phép và kinh doanh tài chính trái phép.

Theo bản án sơ thẩm, Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (viết tắt là Công ty Thiên Nam), do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT, đã ký thỏa thuận với Vietbank về việc Công ty Thiên Nam nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietbank với Ngân hàng ACB. Theo thỏa thuận, Công ty Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Kiên đã đặt các lệnh mua bán vàng ở tài khoản nước ngoài.

Bị cáo Kiên và bị án Yến.

Cuối tháng 3/2010, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đóng trạng thái giao dịch vàng trên tài khoản nước ngoài. Sau khi tất toán trên tài khoản, Công ty Thiên Nam bị lỗ hơn 400 tỷ đồng. Ngân hàng ACB phải ứng tiền để thanh toán cho đối tác nước ngoài khoản lỗ kinh doanh trên đây và ghi nợ phải thu của Công ty Thiên Nam. Ngoài ra, Công ty Thiên Nam còn kinh doanh trạng thái vàng trong nước với Ngân hàng ACB để tất toán trạng thái bán và bị lỗ gần 20 tỷ đồng... Từ tháng 5/2007 đến tháng 8/2012, mặc dù Công ty Thiên Nam không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái trái phép, nhưng Kiên đã chỉ đạo Công ty Thiên Nam kinh doanh vàng trạng thái ở trong và ngoài nước với tổng số tiền hơn 21.490 tỷ đồng. Hành vi này đã phạm vào tội kinh doanh trái phép.

Trả lời HĐXX, bị cáo Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB giải trình, Ngân hàng ACB không mở tài khoản nước ngoài cho Công ty Thiên Nam để kinh doanh vàng, mà dùng chính tài khoản của mình ở nước ngoài để mua bán vàng. “Tuy nhiên, bị cáo nhớ là có ký hợp đồng hợp tác với Công ty Thiên Nam trong lĩnh vực này, nhưng không được xem giấy phép kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam vì toàn bộ thủ tục anh em chuẩn bị hết”, Hải nói. HĐXX hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước về việc “kinh doanh vàng vật chất” và “kinh doanh vàng trạng thái” có gì khác nhau. Hai vấn đề này tuân thủ sự điều chỉnh nào của pháp luật?. Ông Đặng Văn Thảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài được điều chỉnh theo Quyết định 03/2006 và Nghị định 174/1999. Việc “kinh doanh vàng trạng thái” chưa có quy định và không có văn bản nào điều chỉnh.

Khi được HĐXX thẩm vấn về hành vi kinh doanh trái phép, bị cáo Kiên nói một mạch cả tiếng đồng hồ những vấn đề liên quan đến việc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Kiên đề nghị HĐXX cho phép đọc 118 trang đơn kháng cáo gửi Tòa phúc thẩm. Ngoài ra, Kiên còn một đơn khiếu nại dài hơn 26 trang gửi Viện KSND Tối cao. Kiên cho rằng, bản án của Tòa sơ thẩm tuyên phạt mình 30 năm tù về bốn tội danh là chưa xem xét nội dung vụ án một cách toàn diện. Do nói nhiều và lan man nên Kiên đã vài lần bị nhầm lẫn. Vị Chủ tọa nhắc nhở Kiên cần bình tĩnh, nói rõ bản chất từng vấn đề thay vì cứ nói liên miên. Không dưới hai lần, Kiên phải nói lời xin lỗi HĐXX phúc thẩm vì sự nhầm lẫn của mình. Kiên nói mệt và đề nghị HĐXX cho phép mình được ngồi để trả lời thẩm vấn. Trả lời thẩm vấn HĐXX, Kiên không thừa nhận phạm tội kinh doanh trái phép vàng như án sơ thẩm quy kết.

Buổi chiều, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo về hành vi kinh doanh tài chính trái phép. Theo bản án sơ thẩm, sau khi thôi giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, Kiên đã lập ra 5 công ty đều đứng danh là Chủ tịch HĐQT, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại B&B, Công ty cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu, Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu. Theo chỉ đạo của Kiên, các công ty này chỉ kinh doanh vàng theo giấy phép, còn lại không kinh doanh các ngành nghề khác theo giấy phép, mà thực hiện kinh doanh tài chính không phép bằng cách góp vốn vào các công ty khác để mua cổ phần, cổ phiếu nhiều ngân hàng với số tiền từ 450 tỷ đồng đến hơn 1.400 tỷ đồng.

Để làm rõ vai trò của Kiên tại 5 công ty trên, HĐXX tiến hành thẩm vấn những người liên quan. Bị án Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, khẳng định: “Toàn bộ những việc tôi làm liên quan đến việc mua cổ phiếu và phát hành trái phiếu một số ngân hàng đều do anh Kiên (bị cáo Kiên - PV) chỉ đạo”. Sau phần trả lời thẩm vấn của bị án Yến, HĐXX đã công bố lời khai của bị án Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, về vai trò của Kiên tại công ty này. Theo bản cung của bị án Thanh, cũng như lời khai nhận tại phiên tòa sơ thẩm đều thể hiện, thực chất chức danh Giám đốc của Thanh chỉ là chức danh vô hình. Bởi các hợp đồng trong của công ty đều do  bị cáo Kiên bảo Kế toán trưởng (bị cáo Yến - PV) đưa cho để Thanh ký, chứ Thanh cũng không được đọc, được xem. “Khi tôi yêu cầu xem thì Kế toán trưởng bảo anh Kiên đã xem kỹ rồi, anh chỉ ký thôi”, lời khai của Thanh. Trong quá trình HĐXX tiến hành thẩm vấn bị án Yến và công bố lời khai của bị án Thanh thì bị cáo Kiên đã được tách ly khỏi phòng xử án.  

16h, HĐXX yêu cầu đưa bị cáo Kiên vào để tiến hành thẩm vấn về hành vi kinh doanh tài chính trái phép. Nhưng do các nội dung liên quan đến bị cáo Kiên khá nhiều, HĐXX và các luật sư đều muốn hỏi bị cáo nên để liền mạch và tránh căng thẳng, HĐXX đã quyết định phiên tòa tạm nghỉ để sáng 2/12 tiếp tục thẩm vấn.

Nguyễn Hưng
.
.
.