Chưa xác định được nguyên nhân tai nạn máy bay số hiệu QZ8501

Thứ Hai, 05/01/2015, 09:38
Tính tới chiều 4/1, tổng cộng mới có 34 thi thể được vớt và công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn đang được tiếp tục. Tuy nhiên, cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ quốc gia Indonesia (Basarnas) khẳng định, không một ai còn sống sót trong chuyến bay xấu số này. Bên cạnh đó, theo cơ quan Khí tượng và Vật lý địa cầu Indonesia (BMKG), nhiều khả năng, thời tiết xấu chính là nguyên nhân gây ra thảm họa trong vụ QZ8501 rơi trên biển.
>> Ngày thứ sáu tìm kiếm máy bay QZ8501: Đã tìm vớt được 30 thi thể

Người đứng đầu Basarnas, ông Bambang Sulistyo cho biết, thời tiết xấu, dòng chảy ngầm khá mạnh khiến cho thiết bị điều khiển từ xa không khảo sát địa lý và ghi lại những hình ảnh phục vụ công tác cứu hộ nên không có thêm thi thể nào được vớt lên trong ngày 3/1.

Trong ngày 4/1, chiến dịch tìm kiếm QZ8501 đã huy động 14 máy bay và 26 tàu hải quân, trong đó có hai tàu chở dầu, bao gồm sự hỗ trợ của các quốc gia trên thế giới. Tàu RSS Persistence của Hải quân Singapore đã tìm thấy 1 thi thể, trong khi tàu USS Sampson của Hải quân Mỹ tìm thấy 3, nâng tổng số nạn nhân được trục vớt lên 34. Ban đầu, 3 thi thể này được một tàu Hải quân Nhật Bản phát hiện. Tuy nhiên, việc trục vớt gặp trở ngại lớn vì gió quá mạnh khiến chiếc trực thăng SH 60 Seahawk không thể nhấc các thi thể lên khỏi mặt nước. Do đó, phi công trực thăng Seahawk đã chuyển thi thể các nạn nhân lên tàu USS Sampson.

Cơ quan chức năng đã xác định được danh tính của 6 nạn nhân. Người đầu tiên là Hayati Lutfiah Hamid, đã được chôn cất hôm 1/1. Quan chức Indonesia tham gia chiến dịch tìm kiếm QZ8501 và được giao nhiệm vụ nhận dạng các thi thể, ông Anton Castilani hi vọng, có thể trục vớt thi thể các nạn nhân trước khi bị chìm xuống đáy biển, vì khí trong cơ thể giữ cho các thi thể nổi trên mặt nước sẽ biến mất sau một vài ngày trôi trên biển.

Lực lượng cứu hộ vớt được thi thể một hành khách trôi nổi trên biển Ảnh: AP

Cũng trong ngày 4/1, các đội tìm kiếm, cứu hộ đã định vị được mảnh vỡ thứ 5, dài 9,8m, rộng 1,1m và cao 0,4m, được cho là của QZ8501. Chín tàu đã được điều tới khu vực trên để tiếp tục tìm kiếm. Trước đó, ngày 3/1, các đội tìm kiếm đã xác định được 4 mảnh vỡ lớn khác, trong đó mảnh vỡ lớn nhất có chiều dài 18m.

Liên quan đến nguyên nhân vụ tai nạn, theo báo cáo sơ bộ của BMKG, dường như QZ8501 đã bay vào các đám mây bão. Báo cáo trên cho hay, nhiệt độ cực thấp đã khiến động cơ máy bay bị đóng băng và tình trạng này rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những khả năng có thể, được đưa ra dựa trên kết quả phân tích dữ liệu khí tượng hiện có.

Mặt trước một mảnh vỡ, giống với các ô cửa sổ máy bay, được Hải quân Singapore tìm thấy. Ảnh: Reuters/Singapore Ministry of Defence.

Trước đó, một số chuyên gia lại cho rằng, với việc phát hiện ra thi thể hành khách, hành lý và các bộ phận của máy bay vẫn còn nguyên vẹn, nhiều khả năng QZ8501 đã hạ cánh an toàn xuống biển nhưng đã bị biển động nhấn chìm, vì máy bay không phát tín hiệu thường thấy khi bị rơi hay chìm dưới nước. Điều đó có thể khẳng định giả thuyết rằng, máy bay gặp trục trặc về động cơ khiến nó bị rơi xuống, chứ không phải bị vỡ tung trên không trung do một vụ nổ hoặc mất áp suất đột ngột.

Biên tập viên cao cấp của tạp chí hàng không Angkasa, ông Dudi Sudibyo nói: “Các thiết bị xác định vị trí khẩn cấp (ELT) thường chỉ hoạt động trong tình huống có va chạm, không cần biết máy bay đâm xuống đất liền, xuống biển hay vách núi. Phân tích của tôi cho rằng, hệ thống không hoạt động vì không có va chạm lớn nào trong quá trình hạ cánh”, và rằng: “Phi công đã cố gắng hạ cánh máy bay trên mặt biển”. Thời tiết xấu trong ngày 4/1 cũng cản trở việc định vị hộp đen của QZ8501. Ông Soelistyo cho biết: “Suốt sáng nay, thời tiết âm u và những cơn mưa nhỏ đã ảnh hưởng lớn tới đội thợ lặn khiến họ phải liên tục ra về tay trắng”.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.