Cho ý kiến về nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức Văn phòng Quốc hội

Thứ Năm, 10/12/2015, 08:38
Chiều 9-12, Phiên họp thứ 43 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, phiên họp thứ 43 sẽ dành thời gian để thảo luận nhiều nội dung liên quan tới thi hành Luật Tổ chức Quốc hội.

Cụ thể cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết quy định về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban thư ký và Văn phòng Quốc hội.

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định về thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc và phục vụ cho đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thống nhất; khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay. Việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hiện nay. Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội sẽ được thành lập ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có danh sách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố kèm theo.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết, mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết quy định về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, tuy nhiên cần quy định để Văn phòng có trách nhiệm cao, chủ động hơn trong công tác tham mưu, đề xuất giúp đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu, tổ chức, biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, mỗi địa phương sẽ có một Đoàn đại biểu Quốc hội, 1 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, 1 Chánh Văn phòng và 1 Phó Chánh văn phòng. Riêng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Thanh Hóa là 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng đại biểu Quốc hội đông, có 2 đại biểu Quốc hội chuyên trách nên bố trí 2 Phó Chánh văn phòng. Đối với đoàn đại biểu Quốc hội có dưới 10 đại biểu, biên chế Văn phòng không quá 8 người; đoàn đại biểu Quốc hội có từ 10 - 20 đại biểu, biên chế Văn phòng không quá 10 người; đoàn đại biểu Quốc hội có từ 20 đại biểu trở lên, biên chế Văn phòng không quá 12 người. Các ý kiến cũng thống nhất kinh phí hoạt động của Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội được bố trí trong kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do Văn phòng Quốc hội cấp.

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về cấp bậc hàm cao cấp là cấp tướng đối với chức vụ sĩ quan ở đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Công an.

A. Quỳnh
.
.
.