Facebook, mạng xã hội và thông điệp Thủ tướng

Thứ Hai, 19/01/2015, 09:55
Lâu nay, hình thành một quan niệm có tính định kiến: mạng xã hội, facebook là nơi chỉ để “chém gió, rao vặt”, nhiều người thậm chí “dị ứng” với những thông tin tràn lan trên mạng.

Có ý kiến đề xuất nên chăng có hình thức ngăn cấm cán bộ, công chức chơi facebook, ngăn cấm việc lập, sử dụng và truyền đạt những thông tin trên mạng xã hội, trên facebook, đặc biệt là dòng thông tin đề cập các mảng tối của đời sống xã hội, mảng thông tin được coi là nhạy cảm và chưa có cơ sở kiểm chứng.

Vậy cần ứng xử thế nào với tin tức trên mạng xã hội, facebook, blog…?

Ngày xưa, thông tin qua sóng phát thanh được xem là công cụ truyền thông hữu hiệu bởi tính năng động, đến tận thôn cùng ngõ hẻm của nó. Các thế lực thù địch sử dụng đài phát thanh từ nước ngoài, bằng tiếng Việt và tiếng của một số dân tộc khác, dùng luận điệu truyền thông, tung tin thật giả lẫn lộn để kích động, hướng lái người nghe theo mục đích của chúng. Để phòng ngừa những luận điệu xấu, chúng ta nói với nhau rằng “không nghe đài địch”, chỉ nghe đài chính thống. Việc đó nói và làm thật đơn giản vì sóng trên đài phát thanh dễ kiểm soát, tần số phát sóng cũng giới hạn, kẻ địch không thể “đổ bộ” bằng chiến dịch tuyên truyền trên đài phát thanh.

Bây giờ, đài phát thanh không thể lan tỏa hiệu ứng trước sự phát triển vũ bão của mạng Internet, đặc biệt kể từ khi điện thoại di động có chức năng truy cập Internet với đa dạng hình thức, mẫu mã. Bất kỳ ai và bất kỳ ở đâu, người dân cũng dễ dàng truy cập vào thế giới thông tin rộng lớn từ màn hình bé nhỏ ngay trong lòng bàn tay. Lợi dụng bối cảnh đó, các thế lực thù địch tăng cường sử dụng tính lợi hại của mạng Internet bằng cách lập ra nhan nhản báo điện tử, mạng xã hội, blog có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước ta… 

Câu hỏi đặt ra: Nếu như ngày xưa chúng ta nói với nhau rằng “không nghe đài địch” thì ngày nay liệu có thể ngăn cấm, ngăn chặn theo tư duy đó, yêu cầu người dân “không xem, không đọc mạng không chính thống”? Có thể ngăn được không khi mà chỉ một cú nhấp chuột thì trang mạng chuyển từ chính thống sang la liệt các trang khác. Hơn nữa, một hiệu ứng tâm lý rất bản năng của người đọc là sự tò mò “xông” vào những thông tin có tính nội bộ, tin không phổ biến rộng.

Thông tin chống phá trên Internet thường được kẻ địch “bày binh bố trận” dưới các dạng: thứ nhất là xuyên tạc, bịa đặt (đưa những tin không có thật); thứ hai, có một phần sự thật rồi thêm thắt, vôi ve, bôi nhọ theo ý đồ của chúng; thứ ba, tin tức là thật nhưng thuộc tài liệu nội bộ, tài liệu mật; thứ tư, tin tức thuộc loại chưa được kiểm chứng đúng hay sai hoặc tin khó thể kiểm chứng.

Trước đây, kẻ địch chủ yếu sử dụng hình thức thứ nhất, đó là xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo. Hiện, thủ đoạn bịa đặt, vu cáo vẫn được chúng sử dụng nhưng biến tấu dưới nhiều hình thức nhào nặn tinh vi khiến người đọc lầm tưởng là thật (chẳng hạn đồ họa, lắp ghép chế bản vi tính hoặc sử dụng hình ảnh dinh thự, lâu đài của người khác hoặc ở nước khác rồi gán ghép thành của cá nhân, cán bộ mà chúng nhằm chống phá). Tuy nhiên, một trang mạng mà chỉ có bịa đặt thì không thể đánh lừa được hàng triệu tai mắt công chúng. Vì vậy, thủ đoạn lợi hại hiện đang được kẻ địch triệt để khai thác là móc nối, câu kết với cán bộ tha hóa, biến chất, các đối tượng cơ hội chính trị trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội để đánh cắp tài liệu mật, tài liệu nội bộ, tài liệu của cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm tra, các đơn thư tố cáo, các dạng tài liệu khác không phổ biến. Tùy độ tin cậy của tài liệu, khi được chúng tung lên Internet rất dễ gây phân tâm trong dư luận xã hội, nhiều trường hợp gây hoài nghi, lo lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị, nội bộ. Cùng với đó, thủ đoạn tung tài liệu thuộc dạng khó kiểm chứng, khó kết luận cũng gây hiệu ứng rất tiêu cực.

Những trang mạng kẻ địch sử dụng chiêu bài này có lượng truy cập cực lớn, có thể gấp nghìn, gấp vạn lần so lượng truy cập một trang báo mạng thông thường. Sự lan truyền của nó cũng với tốc độ chóng mặt trên facebook, blog… Do đó, không thể coi nhẹ đó là thông tin không chính thống, tin “chém gió”, “lá cải”. Không thể ngăn cấm quyền người đọc và muốn ngăn cấm cũng không được. Giữa trùng trùng thông tin như vậy, điều cốt yếu để xóa tan nghi ngờ trong công chúng chỉ có thể là thông tin chính thống được đưa ra từ cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội để định hướng, đưa ra “đáp án chuẩn”. Tin tức tố cáo trên mạng không phải là một dạng khiếu nại, tố cáo nhưng với sự ảnh hưởng ghê gớm và gây phân tâm xã hội, trong nhiều trường hợp, việc có hồi đáp chính thống là rất cần thiết. Chọn cách im lặng không phải là giải pháp tốt.

Một thế giới mạng phủ khắp toàn cầu, tư duy quản lý rõ ràng cũng không thể gói lại theo quan niệm cũ. Chính vì vậy, chỉ đạo công tác tại Hội nghị của Văn phòng Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý: hiện nay có hàng chục triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội và đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm được. “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt hơn trong năm nay” – Thủ tướng chỉ rõ. Đối với những thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ động tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ, cùng với các bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin chính thống, chính xác và đúng đắn để xã hội hiểu đúng.

Kẻ địch sử dụng blog, facebook, mạng xã hội để chống phá ta. Không lý gì chúng ta lại đặt ngoài lề công cụ hữu ích đó. Nắm lấy để phục vụ thông tin cho ta và chống lại chính kẻ địch, đó là yêu cầu khách quan.

Đăng Minh
.
.
.