Xuất khẩu rau quả cao kỷ lục

Thứ Tư, 22/11/2023, 07:06

Tính đến nửa tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đã gần chạm mốc 600 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục gần 25 tỷ USD. Trong đó, đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả đã đạt mốc 5 tỷ USD, con số kỷ lục từ trước đến nay.

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/11, nước ta xuất siêu tới 24,38 tỷ USD.

Đặc biệt, nửa đầu tháng 11 (1-15/11) kim ngạch XK rau quả đạt 187,74 triệu USD. Kết quả trên nâng kim ngạch tính từ đầu năm đến ngày 15/11 lên con số 5 tỷ USD, tăng hơn 2,06 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, dù chưa hết năm nhưng kim ngạch XK rau quả đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

a%3fnh sa^`u rie^ng.jpeg -0
Xuất khẩu sầu riêng dự báo đạt 2,5 tỷ USD trong năm 2023.

Cập nhật theo thị trường của Tổng cục Hải quan hết tháng 10, Trung Quốc là thị trường XK hàng rau quả lớn nhất, đạt kim ngạch 3,19 tỷ USD, tăng 165%, tương ứng tăng 1,98 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và chiếm 66% trong tổng kim ngạch XK hàng rau quả của cả nước trong cùng thời điểm.

Trao đổi với PV chiều 21/11, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, đây là kết quả rất đáng mừng đối với ngành rau quả Việt Nam. Hiện, đơn hàng của doanh nghiệp vẫn đi đều và ghi nhận doanh thu tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu năm 2023 dự kiến đạt khoảng 85 triệu USD. Theo ông Tùng, có được kết quả này là do Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương.

Cùng với đó là các cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường, thúc đẩy các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, cùng với việc một số thị trường lớn đã mở cửa cho một số loại quả của Việt Nam nên đã đẩy doanh số tăng đột biến. Đơn cử như sầu riêng XK sang Trung Quốc, bưởi da xanh XK sang Mỹ… Hiện, chanh leo của Việt Nam cũng được XK chính ngạch vào Trung Quốc từ tháng 7/2022 và đang có kế hoạch XK sang Mỹ.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, trong lịch sử ngành rau quả, chưa năm nào có kim ngạch XK đạt 5 tỷ USD. Năm đạt kim ngạch cao nhất là 2019 cũng chỉ hơn 3,7 tỷ USD. Sau đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kim ngạch các năm sau giảm và năm 2022 chỉ đạt gần 3,4 tỷ USD. Năm nay, Hiệp hội cũng chỉ dự báo kim ngạch cả năm khoảng 4 tỷ USD. Nhưng chưa hết tháng 11 đã đạt con số 5 tỷ USD, đây cũng là mục tiêu đặt ra cho ngành rau quả vào năm 2025. Như vậy, ngành rau quả đã cán đích sớm 2 năm về mục tiêu kim ngạch XK”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Về cơ cấu sản phẩm, ngoài việc tăng trưởng ấn tượng của sầu riêng với kim ngạch năm 2023 có thể đạt 2,5 tỷ USD, còn có sự đóng góp của các mặt hàng quan trọng khác như: thanh long, mít, chuối, chanh leo, xoài… Trong đó, mặt hàng mít cũng có sự tăng trưởng ấn tượng khoảng 40% so với kim ngạch cùng kỳ 2022 và là một trong những mặt hàng XK “trăm triệu đô” của lĩnh vực rau quả. Với kết quả đạt được đến nay, ông Đặng Phúc Nguyên dự báo kim ngạch XK rau quả năm 2023 đạt trên 5,5 tỷ USD.

Về triển vọng XK rau quả trong năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, dù dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đối mặt nhiều khó khăn, nhưng ngành hàng rau quả lại có nhiều dư địa để hướng tới kim ngạch XK hơn 6 tỷ USD. Cơ sở để tạo niềm tin đó là, mặt hàng chủ lực sầu riêng được dự báo sẽ có sản lượng cao hơn năm nay.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được XK chính ngạch sang thị trường này. Hiện nay, 2 mặt hàng đang được đàm phán và có triển vọng được XK chính ngạch sang Trung Quốc là quả dừa và sầu riêng đông lạnh. Cùng với thị trường XK lớn nhất là Trung Quốc, Việt Nam cũng tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng XK rau quả sang nhiều thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Australia, Hàn Quốc, các nước thuộc Trung Đông… Một yếu tố quan trọng khác là cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics… cũng đang được phát triển mạnh ở Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, trong đó có XK hàng nông sản.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, độ mở kinh tế lớn khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ sự thay đổi của kinh tế toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc bởi lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu đang có xu hướng hạ nhiệt, tồn kho ở các nước đang giảm dần. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm là những tín hiệu khả quan đối với các doanh nghiệp XK Việt Nam.

Lưu Hiệp
.
.
.