Không thể đánh lận bản chất cuộc kháng chiến vệ quốc

Thứ Hai, 02/05/2016, 08:11
Đến nay vẫn có những người đã từng bên kia chiến tuyến và cả một số người ở trong nước và hải ngoại, vì những lý do nào đó, đã cố tình xuyên tạc bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và ý nghĩa, tầm vóc thắng lợi của cuộc kháng chiến này.

Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước như lịch sử đã khẳng định "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. 

Chiến thắng vĩ đại này đã lùi vào lịch sử hơn 40 năm. Trong khoảng thời gian ấy, con cháu của thế hệ chống Mỹ càng thấm thía hơn những mất mát, đau thương, sự hi sinh lớn lao của thế hệ cha anh đã làm nên chiến thắng, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975; càng cảm nhận sâu sắc hơn trên mọi phương diện của cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Đó là nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Thế nhưng, đến nay vẫn có những người đã từng bên kia chiến tuyến và cả một số người ở trong nước và hải ngoại, vì những lý do nào đó, đã cố tình xuyên tạc bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và ý nghĩa, tầm vóc thắng lợi của cuộc kháng chiến này. Họ vẫn cố tình đổ lỗi cho Đảng ta là người đã gây ra mấy chục năm “binh đao, khói lửa”, là người đã gây nên cảnh chết chóc đau thương cho dân tộc Việt Nam, mà theo họ "đáng lẽ là không xảy ra"!

Hãy tôn trọng sự thật lịch sử như đúng nó vốn có, hãy nhìn nhận lịch sử với con mắt khách quan. Lịch sử cho thấy, ngay từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước, Mỹ đã hướng mục tiêu chiến lược của mình là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam và Đông Dương, biến nơi đây thành thuộc địa, bàn đạp chiến lược để thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Mỹ muốn thấy Việt Nam và Đông Dương có một nhà nước dân tộc thân Mỹ. Mỹ đã ra sức viện trợ quân sự, hà hơi, tiếp sức cho thực dân Pháp, rồi từng bước hất cẳng Pháp để chiếm đóng Việt Nam, độc chiếm Đông Dương. Pháp từ địa vị là "chủ thể" chính xâm lược Việt Nam, dần dần chuyển thành địa vị của "một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ” như tướng Pháp Nava sau này đã phải thừa nhận. Năm 1954, thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ thay chân Pháp xâm lược Việt Nam.

Nhân dân ta với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, chấp nhận gian khổ hy sinh, đứng lên chiến đấu để bảo vệ quyền được sống trong tự do và độc lập, để thống nhất đất nước, khiến cả thế giới kính phục, gọi Việt Nam là “lương tri của thời đại”. Đó là lịch sử, đó là sự thật, mà ngay cả những người đã từng bên kia chiến tuyến cũng không thể bác bỏ.

Trong cuốn “Chiến tranh Việt Nam và văn hoá Mỹ”, hai tác giả J.C.Rowe và R.Berg đã viết: Trên 70% dân chúng vẫn coi cuộc chiến (Mỹ xâm lược Việt Nam) “căn bản là sai lầm và phi đạo đức”; “Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương”.

Nhà báo người Anh Thomas Fowler cũng có nhận xét, bình luận chí lý rằng, nguyện vọng thật sự của nhân dân Việt Nam không phải là muốn chiến tranh, mà “muốn có đủ cơm ăn, họ không muốn bị bắn giết. Họ không muốn những người da trắng bảo cho họ biết họ muốn gì". Những nhận xét trên của các học giả phương Tây cũng đã cho thấy ai là kẻ gây ra chiến tranh và ai là người không muốn chiến tranh, yêu chuộng hòa bình, nhưng buộc phải đứng lên chiến đấu chống quân thù. Sự anh dũng chiến đấu hy sinh chống xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc và cuộc sống của mình đã làm cho nhân dân Việt Nam đứng vào hàng tiên phong của các dân tộc trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX.

Chúng ta nhớ về lịch sử, nhưng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Ngày nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển và đã trở thành đối tác toàn diện của nhau. Nhiều người Mỹ ngày càng suy nghĩ đúng về Việt Nam, nhận thức rõ hơn những hi sinh, mất mát và chiến thắng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến. Những luận điệu cố tình xuyên tạc bản chất, tính chất cuộc kháng chiến của nhân dân ta là điệp khúc không mới và không thể đánh lận lịch sử dưới bất cứ phương thức nào.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng
.
.
.