Ngôi nhà yêu thương

Thứ Năm, 04/04/2024, 14:39

Đó là tựa đề tác phẩm do em Lò Lệ Quyên sáng tác trong cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc với chủ đề “Cảnh sát cơ động – Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” và với tác phẩm “Ngôi nhà yêu thương”, em Lò Lệ Quyên, học sinh lớp 8 trường THCS Chiềng An, “con nuôi” Công an Sơn La đã đoạt giải A trong cuộc thi này.

Là một trong những em nhỏ đầu tiên được Công an tỉnh Sơn La đón về nuôi dưỡng, chăm sóc trực tiếp theo chủ trương của đề án “Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”; cho đến ngày hôm nay, cô bé Lò Lệ Quyên nhút nhát ngày nào đã trở thành người chị lớn của hơn 30 các em nhỏ khác cùng được nuôi dưỡng. Hoàn cảnh của cô bé ấy vô cùng bi đát. Lò Lệ Quyên, năm nay vừa tròn tuổi 13, nhà em ở bản Nà Cầm, xã Mường Hung, huyện Sông Mã…

Ngôi nhà yêu thương… -0
Mỗi tối hằng ngày, Lò Lệ Quyên và các em nhỏ được nuôi dưỡng tại Công an tỉnh Sơn La được các cô, chú CSCĐ kèm cặp, hướng dẫn học bài

Ngược dòng thời gian của những ngày tháng cũ, không ai có thể tưởng tượng rằng, một cô bé với vóc dáng nhỏ nhắn ấy lại liên tiếp nhận về những “hung tin”, khi bố em bị tai nạn và qua đời, mẹ đi làm thuê, cuộc sống của em quanh năm chỉ trong căn nhà liêu xiêu bên vách núi xứ Mường Hung. Rồi sau đó một thời gian ngắn, đầu năm 2021, mẹ em mất; những tin dữ cứ lần lượt ập đến khiến em như cánh chim bơ vơ giữa núi, giữa đại ngàn miền sơn cước. Mất cha, mất cả mẹ. Em về ở với cậu ruột và ông bà ngoại. Ngày Đoàn công tác đến đón em về nuôi dưỡng, khi đó em mới mười một tuổi nhưng đã biết làm mọi việc, bàn tay nhỏ nhắn thoăn thoát thái rau cho lợn, cắt cỏ cho trâu bò, nấu cơm, rửa bát, chẳng có việc gì là em không biết.

Xót xa trước hoàn cảnh của em, Công an tỉnh nhận em về làm “con nuôi”, từ đó cho đến nay cũng đã gần 3 năm… Hôm nay, được gặp lại Lệ Quyên sau ngần ấy thời gian được về sinh sống dưới mái nhà chung của Công an tỉnh Sơn La, dưới bàn tay chăm sóc của mẹ Thủy, của các cô, chú Công an, em đã đỡ nhút nhát hơn rất nhiều và thành tích học tập “đáng nể” của em là tấm gương sáng để các em nhỏ được nuôi dưỡng tại Công an tỉnh học tập và noi theo, khi lớp 6 và lớp 7 đều em đạt danh hiệu Học sinh Giỏi.

Gần đây nhất, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động, bằng tình yêu của mình, Lò Lệ Quyên đã viết tác phẩm “Ngôi nhà yêu thương” với mong muốn bày tỏ lòng biết ơn, tình yêu của bản thân mình cho các cô, chú Công an, và đặc biệt hơn là “mẹ Thủy” và những chú Cảnh sát cơ động đã ngày đêm chăm sóc cho em để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn khi về với “Ngôi nhà yêu thương”.

Ngôi nhà yêu thương… -0
Được về với “Ngôi nhà yêu thương” các em nhỏ được đi học như bao trẻ em khác

Lò Lệ Quyên đã viết “Chúng tôi có nhà ở, có gia đình, khác với bao gia đình khác, gia đình chúng tôi đang ở rất đặc biệt: người cha, người mẹ che chở chúng tôi là những chiến sỹ Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Sơn La….chúng tôi được sinh hoạt trong cùng một gia đình dưới sự dạy dỗ của các cô chú Cảnh sát cơ động mà ai cũng cảm nhận được những yêu thương, ấm lòng khi ở tại ngôi nhà này”.

Tiết lộ về ý tưởng cho tác phẩm này, cô bé 13 tuổi Lò Lệ Quyên cho biết: “Bằng tình cảm chân thành mà cháu muốn dành cho các cô, các chú Cảnh sát cơ động, mà hàng ngày chúng cháu hay gọi là các bố, các mẹ đã luôn yêu thương, che chở cho cháu, cũng như các chị, các em… Có đôi lúc cháu cảm thấy các bố, các mẹ hơi nghiêm khắc nhưng rồi suy nghĩ lại sự nghiêm khắc đó chính là những bài học quý để chúng cháu trưởng thành, sau này trở thành những người có ích cho xã hội nhưng hằng mong muốn của các bố, các mẹ…”

Bài viết chưa đầy 7 mặt giấy, nhưng bằng những nét chữ nắn nót, tỉ mẩn,  sạch sẽ nhất, không chỉ Ban tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi mà cả những người bạn, người em đang được các cô, chú Công an Sơn La nuôi dưỡng, chăm sóc như Quyên cũng không khỏi xúc động. Em Lò Thị Diệp, “người chị” thân thiết của Lò Lệ Quyên tại “Ngôi nhà yêu thương” cho biết: “Cháu rất xúc động khi được đọc bài của em Quyên viết về các cô, chú Cảnh sát cơ động, đó là những tình cảm mà không chỉ riêng em Quyên mà tất cả các em nhỏ được nuôi dưỡng tại Công an tỉnh Sơn La cũng vậy”.

Thiếu tá Mai Nguyễn Ngọc Huyền, Trưởng Ban phụ nữ Công an tỉnh Sơn La chia sẻ: Với chức năng, nhiệm vụ được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh giao phó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tạo mọi điều kiện để các con học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất, phát huy hết các khả năng, để mai sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội, và mai sau này khi ra ngoài xã hội sẽ luôn nhớ đến “Ngôi nhà yêu thương” nơi có các bố, các mẹ và các em luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay yêu thương chờ các con trở về.

Ngôi nhà yêu thương… -0
Các em nhỏ được nuôi dưỡng, chăm sóc luôn nhận được tình cảm quan tâm đặc biệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh

Và đó cũng là mong muốn lớn nhất của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La: “Những hoàn cảnh gia đình và nhiều trường hợp rất đáng thương, các cháu cũng như là con của mình, trong khi con của mình được sống bằng sự che chở, chăm sóc trong vòng tay của bố mẹ. Thế còn các cháu thì không có ai cả, chỉ biết trông chờ vào xã hội, những người xung quanh và chính quyền địa phương. Vì vậy, phải có cách nào đó hiệu quả để chăm sóc, giúp đỡ các cháu… Đây cũng là thể hiện sự nhân văn, sự chia sẻ cộng đồng, trách nhiệm xã hội của lực lượng Công an tỉnh Sơn La”.

Một trích đoạn trong Bài viết “Ngôi nhà yêu thương” của em Lò Lệ Quyên, tác phẩm đạt Giải A trong cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc với chủ đề “Cảnh sát cơ động – Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống”:

“Lòng biết ơn của tôi đối với những người cha, mẹ ấy là vô hạn. Tôi biết, không chỉ riêng tôi mà là tất cả những người con đang được những cha mẹ nuôi dưỡng cũng sẽ có chung lòng biết ơn giống như tôi khi viết về “Ngôi nhà yêu thương”. Những thứ chúng tôi đã không còn giờ đây dang được sự yêu thương, đùm bọc, chăm sóc, quan tâm, và cảm thông của người cha, người mẹ ấy bù đắp lại bao nhiêu sẽ khiến chúng tôi hiểu được sự vất vả và tận tụy bấy nhiêu.

Tôi tự hứa với bản thân rằng: Phải cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập để không phụ lòng, phụ sự cực nhọc và vất vả của cha mẹ - những con người đã không ngại khó khăn, thử thách để cứu vớt chúng tôi ra khỏi những đau thương. Không chỉ tôi chỉ tôi mà cả các anh, chị, em trong ngôi nhà chung cũng vạch ra cho mình mục tiêu phấn đấu để ngày càng tiến bộ trong học tập, phẩm chất để ngày càng thể hiện sự biết ơn rồi có thể trả ơn bằng cách ấy cho những con người vì chúng tôi mà không màng khó khăn, hy sinh vất vả. Chúng tôi đều muốn người cha, người mẹ ấy sẽ luôn khỏe mạnh, vui vẻ, thành công trong công việc để rồi tiếp tục là sức mạnh giúp chúng tôi bước đi trên con đường đời, đến với những mong muốn mà chúng tôi đã dành sự tâm huyết bấy lâu…”.

Cao Thiên
.
.
.