'Tắm' rau, quả bằng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục

Bài 1: Ghi từ vùng "nóng" biên giới Lào Cai

Thứ Hai, 05/01/2015, 09:14
Giá rẻ, hiệu quả tức thì khiến một số người dân vì lợi nhuận trước mắt đã bỏ qua những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe cộng đồng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngoài danh mục. Loại thuốc này không chỉ bán lén lút tại các phiên chợ biên giới, mà còn được nhiều người nông dân sử dụng trong trồng rau, quả, bất chấp những tác hại kéo theo.

Cận cảnh sử dụng thuốc diệt cỏ ở vùng cao

Để tận mắt chứng kiến, chúng tôi theo chân các cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Lào Cai vượt 50km đường rừng để đến huyện Mường Khương, một huyện biên giới giáp với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Trên đường đi, màu xanh bạt ngàn của dứa, chuối đập vào mắt.

Thuốc diệt cỏ của Trung Quốc nhập lậu được nông dân Lào Cai sử dụng.  

Thế nhưng, Đại tá Vi Văn Khoa, Trưởng phòng PC49 cho biết, do lao động thiếu mà diện tích trồng ngô, chuối, dứa, chè lại nhiều, nên người dân chủ yếu sử dụng thuốc diệt cỏ để tiết kiệm sức lao động. Thuốc diệt cỏ nằm trong danh mục cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, nhưng vì ham giá rẻ, lại mua bán thuận lợi, nên nhiều năm qua, người dân ở đây đã sử dụng loại thuốc nhập lậu từ Trung Quốc này để diệt cỏ cho đồng ruộng. Theo công bố mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lào Cai trong đợt thanh tra trên diện rộng về quản lý thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, lượng thuốc diệt cỏ của Trung Quốc sử dụng ở tỉnh này khoảng trên 20 tấn/năm, trong đó huyện Mường Khương chiếm gần một nửa.

Người tiêu dùng nên cẩn trọng lựa chọn thực phẩm, rau quả bảo đảm vệ sinh.

Chỉ tay vào những chiếc vỏ nhựa nằm lăn lóc ven đường, dưới những nương chuối xanh rì, Đại tá Khoa nói: “Đó là các loại vỏ bao thuốc BVTV sau khi sử dụng người dân vứt lại. Dư lượng thuốc BVTV ở trong đó không nhỏ, vì thế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng cũng như môi trường. Nếu lượng thuốc diệt cỏ dùng quá liều thì lượng tồn dư trong đất cao. Sau khi trồng cây theo mùa vụ thì lượng thuốc còn tồn dư sẽ vào cây mà bà con trồng. Đây là một trong những tác nhân gây hại cho sức khỏe của con người". Theo cảnh báo của Đại tá Khoa, nếu sử dụng các loại thuốc trừ sâu, diệt côn trùng, hay diệt cỏ của Trung Quốc, khi động vật ăn vào sẽ chết ngay (ở Lào Cai đã có trường hợp trâu ăn phải cỏ phun thuốc diệt cỏ và bị chết). Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số người dân ở Mường Khương sau khi sử dụng thuốc của Trung Quốc ngoài danh mục trong một thời gian dài đã có hiện tượng hoa mặt, buồn nôn, da khô, ngứa, mùi thuốc còn ám rất lâu…

Vì đến Mường Khương vào đúng phiên chợ nên chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh mua bán, trao đổi hàng hóa của bà con dân tộc. Lẫn trong hàng chục mặt hàng đặc sản của vùng cao Mương Khương là thuốc BVTV. Đại tá Vi Văn Khoa cho biết, Công an, Sở NN&PTNT cùng các ban ngành tuyên truyền rất nhiều, ý thức của người dân có chuyển biến hơn, nhưng hiện tượng mua bán trái phép thuốc BVTV ngoài danh mục ở chợ phiên vẫn âm thầm diễn ra. Đối tượng mua bán chủ yếu là người vùng cao, thiếu hiểu biết, bị xử lý thì bỏ chạy, không nhận hàng hoặc tổ chức chống lại rất quyết liệt.

Theo thống kê của Công an tỉnh Lào Cai, trong năm 2014 đã xảy ra gần 10 vụ chống người thi hành công vụ tại các chợ của thị trấn Mường Khương, Cán Cấu (Simacai) và chợ văn hóa Bắc Hà… Đặc biệt thời gian gần đây do bị xúi giục, các đối tượng chống đối đã câu kết thành nhóm, tổ chức chống lại người thi hành công vụ. Điển hình là Giàng Thị Dí, bán thuốc BVTV ngoài danh mục trái phép ở chợ Cán Cấu, huyện Simacai, khi bị kiểm tra, phát hiện, đã chống đối quyết liệt, xé gói thuốc BVTV tung vào người Trung úy Nguyễn Thanh Liêm, Phòng PC49 khiến đồng chí phải điều trị da liễu trong một thời gian dài do bị viêm da dị ứng.

Lợi ích trước mắt, lãng quên hậu quả

Trước tác hại to lớn của việc sử dụng thuốc BVTV ngoài luồng, tỉnh Lào Cai đã tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng nên một số nông dân chuyển sang sử dụng thuốc BVTV do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, ở các huyện vùng cao, vùng giáp biên giới thì tình trạng này vẫn còn phổ biến. Theo Đại tá Vi Văn Khoa, nguyên nhân là do việc cung ứng thuốc BVTV trong nước cho nhân dân vùng cao chưa thuận tiện, kịp thời, đầy đủ so với nhu cầu nên bà con đã sang biên giới mua thuốc không rõ nguồn gốc về sử dụng. Giá các loại thuốc BVTV do Trung Quốc sản xuất thường thấp hơn nhiều so với thuốc trong nước và bà con đã dùng lâu dài thấy có hiệu quả nên vẫn lén lút mua.

Thuốc BVTV ngoài luồng bán ở phiên chợ Mường Khương.

Theo đánh giá của Phòng PC49,  Lào Cai hiện không tồn tại các đường dây mua bán vận chuyển trái phép thuốc BVTV có quy mô lớn từ Trung Quốc về, nhưng do tính chất của địa bàn "núi liền núi, sông liền sông" nên vẫn còn tình trạng mua bán nhỏ lẻ về sử dụng. Thuốc BVTV không rõ nguồn gốc có hai dạng: bột và dung dịch. Chủng loại khá đa dạng, song tập trung chủ yếu vào các loại thuốc trừ cỏ, trừ sâu, trừ bệnh. Lợi dụng chính sách ưu đãi với cư dân biên giới, bà con giấu lẫn với hàng hóa khác vận chuyển trái phép về Việt Nam. Lo ngại nhất là không chỉ mua về sử dụng, mà phần còn lại bà con bán cho một số đối tượng chuyên thu gom để chuyển về dưới xuôi. Thậm chí, một số đầu nậu thuê người vận chuyển thuốc BVTV không có trong danh mục từ nước ngoài về Việt Nam. Hiện Phòng PC49 đang phối hợp với Sở NN&PTNT, Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai tích cực vào cuộc để ngăn chặn hiện tượng trên.

Pha sai thuốc BVTV, hiểm họa lớn

Theo Đại tá Vi Văn Khoa, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Lào Cai, do bất đồng về ngôn ngữ nên việc sử dụng các loại thuốc BVTV nằm ngoài danh mục phần lớn theo “chủ nghĩa kinh nghiệm”. Không ít người dân pha sai tỷ lệ theo quy định nên trong quá trình sử dụng đã để lại một dư lượng thuốc rất lớn trong môi trường. Cá biệt, trên các tuyến đường bộ, đường nội thị, công nhân của công ty môi trường còn sử dụng thuốc BVTV để phun trừ cỏ 2 bên hành lang, taluy không đúng quy định, gây ảnh hưởng tới môi trường và người tham gia giao thông.

Xuân Mai – Trần Hằng
.
.
.