Hỗ trợ người dân vượt qua thảm họa "kép" sau cơn lốc lớn

Thứ Năm, 22/03/2018, 08:23
Trong khi người trồng tiêu đang khóc ròng, lo khắc phục tình trạng tiêu chết hàng loạt thì chiều tối 20-3, một trận mưa lớn kèm theo lốc xoáy tiếp tục quét đến huyện Bù Đốp làm nhiều diện tích cây lâu năm như điều, tiêu, cao su gãy đổ. Nhiều gia đình sinh sống ở các huyện Bù Đốp, Bù Đăng và Lộc Ninh còn bị lốc xoáy cuốn mái nhà, gây hư hỏng nặng tài sản.


Chị Ngàn Cấm Mùi  (ngụ xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp) vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: “Khoảng 6h chiều 20-3, cả gia đình chuẩn bị ăn cơm thì có trận mưa lớn kéo đến. Sau đó, bất ngờ trận lốc xoáy cuồn cuộn lướt qua giật cửa nhà mở toang, quét toàn bộ mái nhà cuốn theo. Hoảng quá, tôi vội chạy ra khóa cửa chính lại nhưng không may cánh cửa đập mạnh làm gãy cánh tay phải”.

Cơn lốc đi qua, gia đình chị Mùi vội kiểm tra vườn tiêu thì phát hiện có đến  3.000 trụ hơn 4 năm tuổi nằm rạp xuống mặt đất. Để có được vườn tiêu như hôm nay, gia đình chị đã tích góp vốn hàng chục năm cùng với những khoản nợ ngân hàng chưa trả hết….

Anh Nguyễn Văn Thường (ngụ xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp), chua xót cho biết vợ chồng anh cưới nhau được hơn 5 năm. Mới đây, cha ruột anh cho ra ở riêng, tài sản chỉ có mấy xào đất trồng bắp và căn nhà cấp 4 còn xây dựng dang dở. Chỉ một cơn lốc ngang qua mà vườn bắp sắp thu hoạch của gia đình anh bị tả tơi. Đáng thương hơn, căn nhà cũng bị hất tung khỏi mặt đất và đổ sập cách vị trí cũ hơn 20m. Nhiều vật dụng trong nhà hư hỏng nặng. Rất may, cả gia đình kịp chui hết xuống gầm giường nên không ai bị thương. Sau cơn lốc, cả nhà phải sang ở nhờ nhà hàng xóm.

Nông dân thu hoạch vội tiêu, dọn dẹp vườn cao su.

Không chỉ cây hồ tiêu bị đổ gãy, nhiều diện tích cây điều và cây cao su cũng bị thiệt hại nặng. Ông Nguyễn Ngọc Bữu có hơn 4ha cao su và 1ha điều, cơn lốc xoáy đã làm hơn 30 cây điều 10 năm tuổi và hàng trăm cây cao su đang cho thu hoạch ngã đổ. 

“Tôi đã sống hơn 65 tuổi đời nhưng chưa từng chứng kiến cảnh cây điều, cây cao su bị cơn lốc quật ngã trơ gốc nhiều như vậy. Nếu cây tiêu ngã đổ thì còn dựng lại cố chăm sóc phục hồi sản xuất, còn điều với cao su chỉ biết cưa đi và bán củi. Gia đình thiệt hại hơn 50 triệu đồng để trồng và khôi phục lại diện tích bị ngã đổ do lốc xoáy. Phải đến 5 hoặc 7 năm sau thì may ra mới có được diện tích như trước…”, ông Bữu nói trong nước mắt.

Hai ngày trước đó, mưa và lốc cũng đã gây thiệt hại nặng nề 2 huyện Bình Long và Lộc Ninh. Tại huyện Lộc Ninh, chịu ảnh hưởng nặng nề là 2 xã Lộc Phú và Lộc Quang. Lốc xoáy ở xã Lộc Phú đã làm tốc mái 6 căn nhà, gãy đổ hơn 58.000 trụ tiêu từ 1-4 năm tuổi của 52 hộ dân. 

Thiệt hại nặng là gia đình ông Lê Văn Thanh (ngụ ấp Tân Hai, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh) với hơn 2.000 trụ tiêu 4 năm tuổi và hơn 200 cây cao su, điều của gia đình bị gãy, đổ hoàn toàn, ước tính hơn 300 triệu đồng. Lốc xoáy ở xã Lộc Quang cũng làm gãy đổ hơn 29.000 trụ tiêu của 36 hộ dân. 

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Lộc Ninh, thiệt hại do lốc xoáy gây ra khoảng 10 tỷ đồng. Tại huyện Bình Long, lốc xoáy làm 4 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, hàng chục căn nhà bị ảnh hưởng nhẹ, hơn 6.000 trụ tiêu và 1.000 cây cao su đang cho thu hoạch bị gãy đổ; nhiều vườn điều bị ảnh hưởng nặng.

Ngay sau khi nhận được tin báo, ông Hà Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp đã cùng đoàn công tác huyện Bù Đốp xuống kiểm tra, động viên các hộ dân bị thiệt hại và huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Tại mỗi nhà bị sập và tốc mái, Bù Đốp hỗ trợ tạm thời 1 triệu đồng để sửa sang nhà cửa. 

Bước đầu xác định, toàn huyện có 27.000ha tiêu và khoảng 5ha điều và cao su gãy đổ, 18 căn nhà bị tốc mái, nhiều nhà bị sập hoàn toàn. Trước mắt, các đoàn thể, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang hỗ trợ gia đình có nhiều diện tích tiêu bị ngã đổ kịp thời khôi phục sản xuất; tập chung lợp lại các mái nhà, dựng lại các nhà đổ hoàn toàn để bà con có nơi sinh hoạt.

Nông dân thu hoạch vội tiêu, dọn dẹp vườn cao su.
Đ.Trung-C.B
.
.
.