Vận chuyển hóa chất nguy hiểm trên đường: SOS!

Thứ Năm, 18/12/2014, 09:46
Trong danh mục các hóa chất độc hại thì axít thuộc danh mục hàng nguy hiểm. Do đó, việc vận chuyển những loại hàng hóa này bắt buộc phải đảm bảo điều kiện theo Nghị định 104/2009 NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện cơ giới đường bộ.

Các phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về an toàn giao thông, dán biểu trưng báo hiệu hàng nguy hiểm khi tham gia giao thông và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khác. Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm còn phải tuân thủ các quy định về tuyến đường vận chuyển, thời gian vận chuyển…

Tuy nhiên, mặc cho các quy định hiện hành đang có hiệu lực thì chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận chuyển hóa chất nguy hiểm vẫn liên tục để xảy ra các vụ lật xe đổ tràn ra đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.

Hiện trường vụ lật xe, đổ axit tràn ra đường.

Mới đây, vào ngày 15/12, một xe tải chở bồn chứa đầy axít lưu thông trên QL13 hướng về Bình Triệu, đến cầu Đúc Nhỏ thì chiếc bồn trên thùng xe bị vỡ khiến hàng trăm lít axít trút xuống đường bốc khói nghi ngút. Tài xế điều khiển xe rời khỏi hiện trường. Trước đó không lâu, vào ngày 4/11, xe tải chở gần 5.000 lít axít HCI bị lật tại vòng xoay Bùi Văn Hòa - Võ Nguyên Giáp, TP Biên Hòa (Đồng Nai) khiến axít đổ tràn ra mặt đường. Hóa chất HCl là một loại axít độc. Với phần khí có khả năng gây ngộ độc cấp tính cho hệ thống hô hấp nếu hít phải với nồng độ cao. Những biểu hiện dễ nhận biết như: niêm mạc bị bỏng, hư, cay mắt…

Tất cả các đồ vật bằng kim loại ở gần khu vực hiện trường, phần khí sẽ gây nên tình trạng ăn mòn, nặng, nhẹ tùy thuộc vào nồng độ axít và độ tương tác của vật dụng với hóa chất này. Lượng axít tràn ra đường, nếu không được xử lý tốt, sẽ ngấm xuống đất thì rất khó ước lượng mức độ tác hại, vì HCl ngấm vào đất sẽ khiến những sinh vật sống trên đất nhiễm axít bị chết. Nếu thấm xuống mạch nước ngầm, nó không chỉ làm tan một số chất khoáng mà tùy vào thành phần các chất trong nước, kết hợp tạo ra một số hợp chất hữu cơ chứa clo, có thể gây ức chế thần kinh trung ương, ức chế các enzym chuyển hóa, thậm chí có nguy cơ gây ung thư…

Để đảm bảo an toàn về kinh doanh, sử dụng, vận chuyển hóa chất trong TP, Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã ban hành Văn bản số 3232/PCCC-P2  về tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PC&CC đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất nguy hiểm. Vừa qua, UBND TP cũng đã ban hành quyết định di dời chợ hóa chất Kim Biên ra khỏi khu vực nội đô đang được người dân ủng hộ. Hiện nay, có rất nhiều cơ sở SXKD có sử dụng hóa chất, các cơ sở này hoạt động dưới nhiều hình thức kinh doanh nhỏ lẻ nằm đan xen trong các khu dân cư, các kho chứa hóa chất độc lập, các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng hóa chất vào mục đích nghiên cứu, phục vụ chuyên ngành, các KCX-KCN có sử dụng hóa chất phục vụ sản xuất, các phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm không đảm bảo an toàn lưu thông trong nội thành.

Sắp đến Tết, nhu cầu sử dụng hóa chất trong sản xuất tăng cao, vì vậy, các lực lượng chức năng càng phải tăng cường hơn công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn hóa chất, việc vận chuyển và các biện pháp đảm bảo an toàn cháy nổ.

Hoàng Châu
.
.
.