Cháy rừng ở An Giang đã cơ bản được khống chế

Thứ Bảy, 27/04/2024, 09:10

Sáng 27/4, 2 đám cháy rừng tại khoảnh 8 và khoảnh 9, Tiểu khu 18B thuộc lâm phần rừng Phòng hộ núi Dài (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và tại khu vực Kẹt Càng Đước trên núi Cô Tô (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cơ bản đã được kiểm soát, khống chế.

Vụ cháy được phát hiện từ chiều 24/4, tại khu vực Đồi 400 thuộc Núi Dài (thuộc ấp An Thành, xã Lương Phi). Lực lượng chức năng tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, do địa hình dốc, đá lớn và trong đám cháy có nhiều tiếng nổ… nên gây khó khăn lực lượng chữa cháy.

Trong 2 ngày 25 và 26/4, các lực lượng tham gia chữa cháy đã tích cực triển khai các phương án dập lửa. Chiều 26/4, lực lượng chữa cháy dùng máy thổi chuyên dùng và máy sạ lúa dọn đường băng đón đầu đám cháy từ trên Đồi 400 xuống, nhưng đến 18h đám cháy bùng phát mạnh cách khu dân cư khoảng 700m. Các lực lượng chức năng và người dân tiếp tục dọn và mở rộng đường băng kết hợp dùng máy xịt lúa tưới nước đường băng không cho lửa cháy vượt qua đường băng xuống khu dân cư. Đám cháy được khống chế hoàn toàn vào khuya 26/4.

Sáng 27/4, đám cháy không còn ảnh hưởng đến khu dân cư nhưng hiện giờ ở các khu vực hóc đá lửa vẫn còn cháy âm ỉ. Diện tích đám cháy khoản trên 6ha, cháy lướt gốc cây tre, tầm vong, ít ảnh hưởng đến cây rừng.

Cháy rừng ở An Giang đã cơ bản được khống chế -1
Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng.

Cháy rừng ở An Giang đã cơ bản được khống chế -0
Các đám cháy cơ bản đã được khống chế.

Còn đối với đám cháy tại khu vực Kẹt Càng Đước trên núi Cô Tô (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn), 5h sáng 27/4, lực lượng tham gia chữa cháy huy động 157 người gồm: Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng, Ban Chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ, chính quyền địa phương và nhân dân đã nỗ lực, tích cực chữa cháy. Đến nay, đám cháy đã cơ bản được khống chế. Hiện có khoảng 6 - 7 điểm còn phát sinh khói. Lực lượng tham gia chữa cháy tiếp tục tiếp cận các điểm khói, dùng bình chữa cháy đeo vai, bình nước xách tay và dụng cụ dập lửa để dập tắt hoàn toàn.

Do đám cháy xảy ra khu vực đồi núi, phương tiện chữa cháy chuyên dụng không di chuyển đến được, trên đồi núi không có nước, không có điện, kèm theo nắng nóng và gió nên việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Trần Lĩnh
.
.
.