Phun thuốc có công dụng “khó hiểu”, 2,6 triệu cây hoa hư hỏng

Thứ Bảy, 02/10/2021, 11:55

Ngày 1/10, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tỉnh này kiểm tra xử lý cửa hàng vật tư nông nghiệp Vân (phường 11, TP Đà Lạt) trong việc bán thuốcdiệt côn trùng TB DIETRAY 700WP cho nông dân sử dụng trên cây hoa cúc, gây thiệt hại khoảng 2,6 triệu cây hoa (khoảng 3,7ha).

Trước đó, hàng chục nông hộ trồng hoa tại phường 11, TP Đà Lạt đã phản ánh tới cơ quan chức năng về việc sau khi họ phun thuốc diệt côn trùng TB DIETRAY 700WP sản xuất ngày 8/5/2021, hạn sử dụng 2 năm của Công ty Cổ phần quốc tế nông nghiệp AMAZONE (phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh), phân phối qua cửa hàng vật tư nông nghiệp Vân, thì xảy ra tình trạng cháy viền lá non, ngọn hoa rụt lại, không trổ bông hoặc trổ nhưng chất lượng rất kém.

Qua kiểm tra, Chi cục TT&BVTV tỉnh Lâm Đồng xác định thực trạng đúng như bà con phản ánh. Tỉ lệ cây bị thiệt hại trong mỗi vườn chiếm khoảng 70%. Bà Ngô Thị Kim Vân, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Vân xác nhận đã bán loại thuốc trên cho khoảng 30 hộ trồng hoa cúc tại địa phương.

Phun thuốc có công dụng “khó hiểu”, 2,6 triệu cây hoa hư hỏng -0
2,6 triệu cây hoa bị hư hại sau khi phun thuốc diệt côn trùng TB DIETRAY 700WP.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong các gói thuốc trên có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl đã bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam của Bộ NN&PTNT từ tháng 2/2019. Tuy nhiên trên bao bì các gói thuốc này lại ghi rõ: sản phẩm được đăng ký trong danh mục Bộ Y tế để phòng trừ muỗi. Ông Chiến cũng cho biết, cửa hàng vật tư nông nghiệp Vân chưa có đầy đủ giấy tờ theo quy định để được phép bán thuốc diệt côn trùng TB DIETRAY 700WP (hiệu RAY REP 700WP).

Theo quan sát của PV Báo CAND, công dụng trên bao thuốc được nhà sản xuất ghi rất lập lờ, khó hiểu. Cụ thể, ở phần công dụng ghi: “Chế phẩm rất độc với: rệp sáp, sâu đục thân, sâu đục trái, rầy xanh, rầy lưng trắng, rầy mềm, rệp muội, rầy nâu, bọ trĩ... Hiệu RAY-REP 700WP với thành phần 3 hoạt chất: Chlorpyrifos Ethyl, Imidacloprid, Thiamethoxam, thuốc có tác dụng xông hơi, lưu dẫn, thấm sâu và chuyển vị mạnh, ức chế thần kinh diệt trừ côn trùng kháng thuốc, lưu dẫn, kéo dài hiệu lực trong thời gian rất lâu”.

Tuy nhiên, dòng cuối dùng ở mục công dụng trên bao thuốc lại ghi: “Công ty khuyến cáo không nên sử dụng cho các đối tượng trên”. Đây là kiểu ghi công dụng lập lờ, rất dễ đánh lừa người tiêu dùng. Nhà sản xuất dễ dàng phủi bỏ trách nhiệm nếu nông dân thiệt hại sau khi sử dụng loại thuốc này trên cây trồng.

Chi cục TT&BVTV Lâm Đồng cho biết, các chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế chưa được khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả trong phòng trừ dịch hại trên cây trồng nên khả năng gây ngộ độc cây trồng rất cao.

Theo ông Lại Thế Hưng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Lâm Đồng, nếu hoạt chất trong thuốc do Bộ Y tế cấp thì chỉ được sử dụng trong hoạt động y tế, không thể sử dụng cho ngành nông nghiệp. Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã có khuyến cáo sự việc tới bà con nông dân, đồng thời đề nghị Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường Lâm Đồng phối hợp cùng xử lý các trường hợp liên quan có vi phạm.

Khắc Lịch
.
.
.