"Nghề" kinh doanh tiền trên biên giới

Thứ Sáu, 12/11/2004, 09:55

Hơn 11h trưa, chợ đổi tiền nằm trên ngã 3 Lê Lợi, phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn tấp nập kẻ bán người mua. Đây là thời điểm các giao dịch lớn diễn ra tại chợ. Đoạn phố dài hơn chục mét có vài chục bàn thu, đổi ngoại tệ cá nhân hoạt động.

Chị H. là một người làm nghề đổi tiền có thâm niên ở thành phố Lạng Sơn cho biết chị có mặt ở cái chợ đổi tiền này từ những ngày đầu khi biên giới Việt Nam và Trung Quốc thông  thương. Hoạt động tấp nập như vậy nhưng vì phần lớn những người đổi tiền đều có khách quen của mình tìm đến trao đổi, nên không có chuyện tranh mua, tranh bán.

Những năm trước đây, đã có lúc chị sạt nghiệp vì bị khách hàng quỵt nợ. Do lúc đó nghề đổi tiền chưa được cấp phép hoạt đồng nên chị thường xuyên phải trốn chui lủi mỗi khi thấy các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hoặc khi mang tiền đi giao cho khách. Ở thời điểm đó, việc mua bán, đổi tiền nhân dân tệ (NDT) thường diễn ra lén lút nên việc bị ép giá, hoặc nhận tiền giả diễn ra hàng ngày. Đã có những lúc chị muốn bỏ nghề nhưng “theo nghề không thể bỏ được”.

Khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương đưa các bàn đổi tiền tư nhân vào quản lý, hoạt động, chị chấp hành ngay. Được chính thức cấp phép, ngoài giao dịch với các khách hàng quen biết, chị còn giao dịch mua bán đồng NDT với các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Mỗi ngày chị cũng kiếm được từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Chị M. cũng đã có mặt tại chợ tiền ở đất Lạng Sơn từ năm 1993. Những ngày mới làm, khi hệ thống thông tin liên lạc chưa phát triển, chị M. cũng nhiều phen thua lỗ nặng, nguyên nhân chủ yếu là do không nắm chắc được tỷ giá trên thị trường, hoặc do giá cả biến động. Những va vấp trong thương trường, đặc biệt việc phải thường xuyên tiếp xúc với đồng tiền đã giúp chị vững chãi hơn và có bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Từ khi được cấp giấy phép kinh doanh, chị đã yên tâm hoạt động.

Cùng với thời gian, số người tham gia thu đổi NDT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ngày càng đông. Thường thì những người đổi tiền là phụ nữ. Có lẽ do tính chất công việc, những “bà chủ” này đều nhanh nhẹn, nhạy bén và có quan hệ rộng rãi trong xã hội. Ở chợ đổi tiền này, bí quyết thành công trong kinh doanh là phải giữ được chữ "tín" với khách hàng. Buôn có bạn, bán có phường nên ở các bàn đổi tiền giữa trung tâm thành phố, ai cũng phải giữ uy tín cho hội, chẳng ai dám bán tiền giả. Chỉ cần một người làm sai thì lập tức sẽ bị "tẩy chay" ngay. Ngoài chợ tiền tại trung tâm thành phố còn có các chợ tiền biên giới ở Đồng Đăng hay Tân Thanh.

Nghề đổi tiền: Từ tự phát đến được quản lý

Việc trao đổi tiền giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu từ khi hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước thông thương. Thanh toán biên mậu qua ngân hàng lúc đó cũng dù đã được triển khai nhưng vẫn khó khăn, doanh số thanh toán chiếm tỷ trọng nhỏ. Các giao dịch thường thông qua thị trường chợ đen nên các cơ quan chức năng không thể quản lý hoạt động trao đổi tiền. Các hiện tượng lừa đảo, chiếm dụng vốn, sử dụng tiền giả diễn ra thường xuyên.

Không những thế, các doanh nghiệp hai bên còn mua bán chui, nhiều tư nhân và doanh nghiệp còn lợi dụng găm tiền, hòng kiếm lợi nhuận cao hơn. Cùng với thời gian, kinh doanh tiền đã trở thành một "nghề", nhiều hộ dân đã trương biển hiệu trái phép tự do đổi tiền tại nhà thay vì đổi ở chợ để trốn tránh sự kiểm soát.

Từ khi, các lực lượng chức năng, nhất là Ngân hàng Nhà nước và Công an tỉnh Lạng Sơn, siết chặt việc quản lý, dịch vụ đổi tiền đã dần đi vào nề nếp. Hiện nay, số các bàn đổi tiền trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã tăng lên 139 bàn thu đổi ngoại tệ, trong đó có 127 bàn cá nhân. Từ đầu năm 2004 đến nay, tỷ lệ thu đổi ngoại tệ của cá nhân bằng đồng NDT đã chiếm tới 63 % thị phần trong các hoạt động giao dịch. Những người kinh doanh tiền đã nắm được quy trình đổi tiền biên giới. Ngay cả những người đến đổi tiền khi thấy những tờ giấy phép do các ngân hàng cấp cũng cảm thấy yên tâm

Xuân Mai - Anh Hiếu
.
.
.