Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
 

PV: Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong nhiều sáng tác của mình, ông thường viết về làng Chùa quê ông. Vậy với ông ấn tượng nhất Tết ở làng Chùa là gì?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Ở làng Chùa quê tôi từ xưa đến nay, cứ độ 5 ngày trước Tết thì người ta sẽ dọn hai con đường, một con đường đầu làng, kết hoa làm cổng làng, ấy là đường để đón những người tha hương trở về, những người đi làm ăn và công tác ở xa, thậm chí lấy chồng, lấy vợ nơi đất khách trở về ăn Tết. Còn con đường thứ hai, được dọn dẹp rất sạch sẽ, nghiêm cẩn và tự nguyện, đó là con đường ở cuối làng ra nghĩa địa, để “đón” những người đã khuất về ăn Tết. Những ngày cuối cùng của năm, ngày 29 - 30 tháng Chạp, tất cả vợ chồng, con cái ăn mặc sạch sẽ, mang hương hoa ra các phần mộ của gia đình để thắp hương, mời “các cụ” về ăn Tết. Gặp nhau ngoài đường, họ chào nhau í ới: "Ông ra mời các cụ về ăn Tết đấy à?", "Bác ra mời các cụ về ăn Tết đấy à?”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0

Tôi luôn cảm nhận được là trên con đường ấy vào dịp cuối năm, trong màn sương mù mờ mịt mùa Đông cuối năm, đầy bóng dáng của những người đã khuất. Sau này lớn lên, mình coi đấy là khoảnh khắc giao hòa giữa người sống và người chết. Không chỉ mình tôi mà tất cả những người ra nghĩa địa những ngày ấy đều cảm nhận được rằng những người thân của mình đang trở về nhà ăn Tết, trên con đường từ nghĩa địa về cuối làng, đầy sương khói. Nếu ta đánh mất điều đó, chúng ta sẽ đánh mất nhiều thứ khác mà vật chất không bù đắp được, sự hiện đại không bù đắp được.

Phong tục đón Tết ở làng tôi  là cứ buổi sáng ngày mùng Một thì tất cả các nhà thờ của các dòng họ đều gióng trống. Họ Nguyễn tôi cũng thế. Mọi người trong họ cùng đến nhà thờ họ và trưởng họ sẽ thay mặt mọi người để lễ tổ, đánh trống, dâng hương. Sau đó sẽ báo cáo thành tích của họ trong một năm qua và chia sẻ những mất mát của gia đình nào đó trong họ, nếu có chuyện buồn.

Chuyện báo cáo thì thường về tình hình làm ăn, học tập của các gia đình trong họ, nhất là thành tích học hành của các cháu. Tặng quà cho các cháu có thành tích học hành tốt trong năm, cho gia đình chăn nuôi giỏi, hay gia đình chăm sóc bố mẹ già, hoặc người được thăng quan tiến chức, đỗ đạt, có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Đó sẽ là ngày họ được vinh danh. Tôi rất hay được vinh danh (cười). Nó đồng thời là dịp để những gia đình có con trai được vào Nguyên đán. Năm đó sẽ thông báo là bao nhiêu cháu được sinh ra. Những ai mà có con trai, có cháu trai sinh ra trong năm đó, thì phải mang lễ vào họ để báo cáo tổ tiên, ông bà. Những đứa trẻ 3 tuổi được vào Nguyên đán, tức được ghi tên trong danh sách đinh của họ. Nói dại mồm, nếu giả sử các cháu có mất thì sau này vẫn sẽ được hưởng lễ trên ban thờ họ.

Sau lễ vinh danh, công đức là góp quỹ khuyến học. Họ nhà tôi có 3 chi. Mỗi chi sẽ cùng nhau có đại diện đi thăm tất cả những người già trong họ, chúc Tết, cứ thế đi chúc Tết suốt…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Phan Cao

PV: Tết trong ký ức tuổi thơ của ông thế nào, đặc biệt là kỷ niệm với nồi bánh chưng?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Gia đình tôi vẫn có truyền thống gói bánh chưng và nướng thịt, nướng cá. Nhưng việc đầu tiên của Tết, một việc rất trang trọng, đó là tôi khi còn nhỏ đã được tham gia vào lau dọn ban thờ. Tôi vẫn nhớ ngày ấy bố tôi cẩn thận gỡ những đồ thờ bằng đồng, bằng sứ xuống và các con phải lau chùi, sắp xếp bài vị, ảnh các cụ. Cái đấy bố tôi hướng dẫn rất kĩ.

Ngày ấy vì nhà tôi đông con nên bố mẹ tôi không thể nào sắm cho mỗi đứa con một bộ quần áo mới được, nhưng chị có cái áo thì em có cái quần, hoặc là một đôi dép, nghĩa là mỗi đứa trẻ phải có thứ gì đó mới trong ngày Tết. Ngày ấy mẹ tôi hay gỡ những cái quần áo cũ của người lớn ra và may lại rồi mang ra chợ nhuộm nâu cho các con có quần áo mới đón Tết.

Tôi vẫn nhớ có một năm, bố tôi khi ấy công tác tại Công an tỉnh Hà Sơn Bình. Cụ ra tận Bách hóa Tràng Tiền (Trung tâm thương mai lớn nhất ở Hà Nội thời đó) mua cho tôi đôi dép nhựa. Nhưng trên đường về quê, không hiểu sao đôi dép rơi mất một chiếc, về đến nhà mới phát hiện ra. Không để thằng bé buồn, hôm sau cụ lại đạp xe gần 60km từ quê ra Bách hoá Tràng Tiền mua cho tôi đôi khác để có dép mới đón Tết. Đó là ký ức không bao giờ tôi quên.

Thời nghèo khó, để chuẩn bị cái Tết là mất vài tháng, có khi mọi người lo Tết từ giữa năm, tích từ gạo, đỗ xanh, nuôi gà, nuôi lợn… nên cái Tết là cả một sự chuẩn bị rộn ràng. Quê tôi ngày xưa cứ đến gần Tết, hợp tác xã lại tháo ao, tát cá để chia cho xã viên. Cá dành đến Tết mới ăn, nhưng có khi hợp tác chia trước đó cỡ 10 ngày rồi, nên khi có cá, để không bị hỏng và dành đến Tết, mọi người thường nướng cá lên. Đầu tiên là đồ (hấp) cá, sau đó cho vào vỉ tre rồi nướng trên than củi. Đến bây giờ quê tôi vẫn có truyền thống ăn cá nướng. Ngày ấy, bố tôi đi công tác hay được mua theo tiêu chuẩn hạt tiêu, mì chính, nước mắm… Gần Tết, bố tôi mang về thì mẹ tôi ngồi xé những tờ báo, chia mì chính, hạt tiêu vào từng gói nhỏ để biếu các gia đình, bên nội bên ngoại, rồi cho họ hàng, người lớn tuổi, từng gói, từng gói một. Tôi nhớ có khi mỗi gói chỉ có dăm chục hạt tiêu, một chút mì chính thôi, nhưng quý lắm và cái quan trong hơn là thể hiện sự san sẻ giữa những người thân với nhau.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Chuẩn bị mâm ngũ quả đón Tết của gia đình nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại làng Chùa.

PV: Trong nhiều sáng tác của ông, dòng sông Đáy luôn hiện hữu. Ký ức của ông về dòng sông Đáy trong những ngày giáp Tết ngày xưa thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi đã có những bài thơ viết về bến sông trong ngày Tết. Những ngày Tết đó chuyến đò lúc nào cũng chở đầy, đầy người, đầy sản vật từ phía bên kia mang sang chợ bán, từ cam quýt tới lá dong.

Trước Tết vài ngày, các cô thiếu nữ mang lá dong ra sông rửa, vo gạo nếp. Tôi có bài thơ tả về những cô thiếu nữ xắn quần lội xuống mép sông, vo gạo nếp và cả một dòng sông như một dải trắng mờ nước gạo và lá dong xanh. Những buổi chiều đó dòng sông đẹp lắm, cảm xúc không bao giờ có thể tìm lại được nữa.

Qua thời gian mọi thứ biến đổi đi, nhiều cầu bê tông được dựng vì rất cần thiết cho giao thông, phục vụ đời sống hiện đại nhưng nó lại mất đi những hương vị khác. Ngày xưa, đôi khi tôi có cảm giác rằng dòng sông Đáy là dòng sông đầy hương thơm của gạo nếp, đậu xanh và lá dong.

Những bến đò trên sông Đáy là hình ảnh rất đẹp. Tôi nhớ ngày xưa, khi giáp Tết, có những người đi xa về quê ăn Tết. Làng tôi có nhiều người đi bộ đội, ngày xưa khi tiễn họ đi thường là tiễn qua sông, vào Miếu Môn, nơi đó có nhiều đơn vị quân đội đóng quân, nhất là thời chống Pháp. Trong truyện ngắn “Hai người đàn bà xóm trại” có chuyện hai người đàn bà thời chống Pháp tiễn chồng đi qua sông, kéo sang tận thời chống Mỹ, những người đàn ông đó ra đi nhưng đã không trở về. Còn những người đàn bà xuống bến sông và đợi chờ những người lính không trở về.

Trong những truyện tôi viết về làng quê, nhất là viết về thời gian gần Tết, nó rộn ràng lắm. Đôi khi những người làm ở hai bên cánh đồng, họ thấy từ xa có người đi xuống từ dốc đê làng, họ nhận ra, họ hỏi: “Chú đấy à, anh đấy à, về ăn Tết đấy à, năm nay có về ăn Tết được lâu không?”. Những ngày Tết rộn ràng lắm, rộn ràng đón những người sống, những người tha phương, những người đi đâu đó làm ăn xa xôi, một năm biền biệt đến Tết mới có điều kiện trở về quê.

PV: Ông từng nhiều năm sống và học tập ở Cuba. Vậy cái Tết đầu tiên xa làng Chùa với ông thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Năm 1984, tôi sang Cuba học. Tết 1985 là Tết đầu tiên xa nhà nên rất nhớ nhà. Ngày ấy ở ngoại ô thủ đô Habana có một làng đoàn kết với Việt Nam mang tên Nguyễn Văn Trỗi. Đến ngày Tết thì người Cuba tổ chức ăn Tết cho những người người Việt Nam sang Cuba học tập ở làng đó. Họ chuẩn bị mọi thứ, chúng tôi đến nấu những món ăn Việt Nam như nem rán, đồ xôi… và tổ chức đón Tết Việt Nam với các bạn Cuba. Ngày ấy, nếu không có làng Nguyễn Văn Trỗi thì Tết buồn lắm.

Tôi vẫn nhớ cái Tết 1985 là lần đầu tiên xa nhà bởi năm 1984, vợ tôi sinh con trai đầu lòng. Vừa rồi, tôi lục lại trong đống bản thảo thì thấy có một bức thư vợ tôi gửi sang  thông báo Tết sẽ cho con về làng Chùa ăn Tết với bố mẹ tôi. Và tôi đã viết bài thơ “Con về quê nội”. Bài này có câu đầu tiên “Tết Nguyên đán em đưa con về quê nội!” là tôi trích thư vợ tôi. Hồi ấy đi lại khó khăn lắm. Đi từ Hà Đông về Vân Đình có khi mất nửa ngày, xong lại đi bộ 6 cây số từ bến xe về nhà. Hai mẹ con cứ bế vác nhau thế. Để tôi đọc các ông nghe:

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0

PV: Phải chăng vì ấn tượng về làng Chùa như thế nên sau này gia đình ông chỉ đón Tết ở quê?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi chưa bao giờ ăn Tết ở thành phố. Những năm tháng tôi đi Cuba thì vợ con tôi về quê đón Tết. Sau này thì năm nào chúng tôi cũng về, cho đến bây giờ, chúng tôi đều về quê ăn Tết, ở quê đón giao thừa, thăm hàng xóm, dọn dẹp nhà cửa, thắp hương cho những người đã khuất, lau dọn bàn thờ, sắp mâm ngũ quả, gói bánh chưng, nấu chè kho… Các con tôi là những đứa hiện đại, kể cả con trai rồi con dâu nhưng đã thành nếp rồi. Thậm chí cháu nội tôi, thằng cu Mem năm nay mới 5 tuổi, nhưng đến Tết nó cũng bảo là phải về quê.

Tôi quen một nhà thơ Mỹ, ông bà ông ấy là người gốc Ireland và năm nào ông cũng đưa con cháu ông trở về cái làng Ireland đó để chúng được sống trong cái gọi là cội nguồn quê hương. Đó là người phương Tây nhé. Cho nên việc tạo dựng ký ức rất quan trọng và tôi cho rằng cái Tết là một cách tạo dựng rất nhiều ký ức.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và cháu nội - cu Mem trong chuyến về làng Chùa đúng ngày ông Công, ông Táo 23 tháng Chạp (2/2/2024).

Theo quan điểm của tôi, với một đứa trẻ, ngoài việc nuôi dạy chúng thì có một điều quan trọng nữa là phải tạo cho chúng một di sản ký ức. Những đứa trẻ phải có nhiều ký ức. Có thể lúc đó nó chưa hiểu hết, nhưng khi lớn nó sẽ lưu giữ mãi. Như tôi bây giờ vẫn có thể nhớ lại những chuyện từ xa xưa, hồi còn 5- 6 tuổi, ông bà, cha mẹ, làng quê. Có thể khi chúng nó lớn, trong ký ức ấu thơ của chúng nó sẽ hồi phục lại. Nhưng ngay bây giờ, khi gia đình mình chuẩn bị Tết trong không khí thế nào thì chúng nó sẽ hòa vào gia đình trong cái không khí đó, cũng như mình thì hồi bé bố mẹ chuẩn bị Tết thế nào, mình đều cảm nhận được không khí đó và ký ức mình vẫn còn mãi.

Về quê đón Tết, năm nào cả gia đình, các cháu tôi đều thức đón Giao thừa. Năm nào tôi cũng xuống đường làng, mở cửa ra đón những ngọn gió đầu tiên của năm mới thổi về từ cánh đồng. Ở quê, mở cổng ra, trước mặt nhà tôi là cánh đồng rộng lớn, sau cánh đồng đó là dòng sông, sau dòng sông là dãy núi đá vôi chạy từ Hòa Bình đến chùa Hương.

Tôi sang các nước, ví dụ như Hàn Quốc, họ rất phát triển, nhưng về làng quê của họ vẫn cổ kính, vẫn giữ các nếp truyền thống, từ nấu ăn, cách ăn mặc, nhà cửa… vẫn là phong vị của một làng quê truyền thống Hàn Quốc rất đẹp.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0

Chúng ta hay đổ lỗi cho hiện đại, chúng ta bảo nó thế này thế khác, không phải. Hiện đại giúp chúng ta cải thiện đời sống chứ không thay đổi được bản chất, vẻ đẹp của đời sống. Chúng ta có một nông thôn rất đẹp, nhiều phong tục, nhiều tập quán hay, đặc biệt là cái chợ Tết rất nên giữ. Hồi bé tôi háo hức nhất là đi chợ Tết. Mẹ cho mỗi đứa mấy đồng mấy hào để đi chợ, trời rét căm căm nhưng vẫn hăm hở đi bộ trên đê. Tới chợ mua tò he, thổi đỏ cả miệng, mua con lợn, con chim thổi toe toe, rồi mua pháo tét nữa. Đó là những ký ức rất đẹp. Bây giờ, khi về quê đón Tết, tôi vẫn đưa cháu đi phiên chợ Tết ở gần làng. Vợ tôi rất thích đi chợ quê ngày Tết để mua đủ thứ, nhiều khi không có nhu cầu vẫn vào chợ vì trong đó nó phong phú vô cùng, rất nhiều màu sắc. Chợ Tết ở quê rất thú vị. Có một món mà cả nhà tôi rất thích là món bánh rán, trông nó hơi xấu xí một chút, nhưng rất ngon.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Hoa cải vàng rực rỡ bên sông Đáy. Ảnh: Duy Hiển chụp năm 2009.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
 

PV: Ông đã đi nhiều nơi trên thế giới, vậy ông thấy Tết của người Việt khác với Tết các nước thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi đã đón Tết ở châu Âu, đã từng ăn Tết ở Mỹ và một số nước khác. Người phương Tây đón năm mới chỉ đơn giản là tiễn một năm cũ đi, đón năm mới đến với niềm hi vọng. Điều đó chúng ta cũng có. Nhưng sự linh thiêng, sự gắn kết giữa người sống và người mất, giữa những người trong một nguồn cội, trong một dòng máu, trong một dân tộc, trong một văn hóa thì họ không có mà chúng ta lại có.

Cách đây mấy năm, một số trí thức, kể cả những giáo sư, tiến sĩ đã kêu gọi bỏ Tết âm lịch, không ăn Tết âm lịch nữa, bởi nó phiền hà, nhiêu khê. Nhưng tôi nghĩ những cái phiền lụy của ngày Tết âm lịch là do mình tự sinh ra thôi, chứ bản chất Tết Nguyên đán là truyền thống rất đẹp. Đôi khi chúng ta hay nói đến chuyện bỏ hủ tục, nhưng chính những người đương thời lợi dụng Tết vào nhiều vấn đề, khiến nó trở thành phi văn hóa truyền thống. Họ đổ lỗi cho Tết nghỉ dài quá, ăn uống, nhậu nhẹt nhiều, rồi nảy sinh vấn đề như biếu xén quà cáp. Nhưng những năm tháng xưa đâu như thế, bản chất của Tết tinh khiết, đẹp đẽ, thiêng liêng, ấm áp. Còn tất cả những phiền muộn sau này do chúng ta sinh ra thôi. Ở quê đơn giản là trở về biếu phong trà, biếu hộp mứt nhỏ, thậm chí chỉ là bó hương đen.

Tôi cho rằng, Tết Nguyên đán là một điều kỳ diệu, bởi nó mang đến cho người ta sự đoàn kết, mang cho người ta sự tưởng nhớ tổ tiên ông bà, mang đến cho người ta sự hòa giải và đặc biệt là sự vị tha. Khi chúng ta đón khoảnh khắc linh thiêng của trời đất, chúng ta có thể tha thứ cho tất cả những gì trong quá khứ, tha thứ cho một người bạn, một người anh, người em, một người hàng xóm, một người trong dòng họ khi họ có đã lỗi nào đó và họ tha thứ cho chính mình nữa. Có những mối quan hệ trong dòng họ, trong gia đình hoặc hàng xóm có khi bất hòa cả một năm nhưng đến Tết, hỏi thăm nhau một câu, chúc Tết nhau một câu thì những mâu thuẫn, những bất hòa được hoá giải hết.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Chiều cuối năm trong khu vườn làng Chùa. Ảnh: NVCC

Một điều rất hay nữa là Tết luôn mang lại niềm hy vọng cho những người gặp thất vọng. Có những người cả một năm gặp thất bại trong công việc, làm ăn, rồi bệnh tật, nhưng khi thời khắc giao thừa đến, ai cũng mong năm cũ qua đi sẽ mang theo tất cả vận hạn và chắc chắn năm mới họ sẽ đón những điều tốt đẹp, hanh thông. Cho nên, Tết vừa là dịp gắn kết con người, cộng đồng với nhau, anh em, họ hàng, láng giềng nhưng còn là dịp mang đến sự niềm hy vọng cho một năm mới tốt đẹp. Vì thế, việc giữ Tết không chỉ là giữ một phong tục văn hóa truyền thống mà là giữ được cả mối quan hệ giữa những người đang sống với nhau, giữa những người đang sống với người đã khuất. Sự đoàn tụ là điều lớn nhất, linh thiêng nhất trong dịp Tết cổ truyền. Chỉ là những khoảnh khắc ngày cuối năm, khoảnh khắc của giao thừa thôi, nhưng nó đã tạo dựng nên nhiều giá trị đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt. Cái Tết cổ truyền nó vẫn chứa đựng một bí ẩn, một sự linh thiêng mà không phải dân tộc nào cũng có được.

Tôi cho rằng mỗi người sẽ tự đánh mất nhiều giá trị nếu bỏ Tết Nguyên đán. Ở Trung Quốc, mỗi một năm có một cuộc di chuyển lớn nhất là cuộc “Xuân vận” khi có hàng trăm triệu người về quê ăn Tết. Việt Nam cũng vậy, ai cũng chờ năm hết Tết đến để về quê. Về quê không phải để ăn một món ăn, không phải về để làm gì cả, mà mỗi người đều thấy phải trở về với nguồn cội ký ức của chính mình. Cho nên khi có ý kiến, kể cả của những người trí thức, những người nghiên cứu đề nghị bỏ Tết Nguyên đán, tôi cho đó là một sai lầm. Họ chưa hiểu hết ý nghĩa cực kỳ to lớn trong tâm linh, trong nguồn cội, trong văn hóa đối với người Việt về cái Tết Nguyên đán. Không phải ngẫu nhiên mà cuối tháng 12/2023, Liên hợp quốc đã công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
 

PV: Con rể ông là người nước ngoài, Tết năm ngoái lần đầu tiên vợ chồng con gái ông đã đưa các cháu từ Mỹ về ăn Tết Việt Nam. Ấn tượng Tết Việt Nam với con rể ông thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Con rể tôi là người Mỹ gốc Mexico nhưng rất muốn về ăn Tết Việt Nam vì muốn các cháu phải có ký ức về Tết ở Việt Nam. Nó nói muốn bọn trẻ được về để biết được cái Tết thiêng liêng ở Việt Nam. Năm ngoái, vợ chồng con gái về quê ăn Tết cùng với gia đình tôi. Chúng nó mặc áo dài truyền thống, mặc áo tứ thân, đội khăn vành, đi vào nhà thờ họ thắp hương cho tổ tiên, đi chúc tết hàng xóm… Nghĩa là chúng nó về để trải nghiệm và hưởng thụ những phong tục rất Việt Nam đó.

PV: Ông đã bao giờ mời bạn nước ngoài về làng Chùa ăn Tết Nguyên đán chưa?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi đã mời một số nhà thơ, nhà văn, giáo sư người Mỹ về làng Chùa ăn Tết. Họ về từ 25 tháng Chạp và ở đến Mùng 3, Mùng 4 Tết mới đi. Họ về để chứng kiến tất cả cái Tết Việt thế nào. Tôi đã lý giải mọi điều, từ việc gói bánh chưng, nướng thịt, dọn ban thờ đến việc mời những người đã khuất trong gia đình, trong dòng họ về ăn Tết, đến việc vào đình làng đêm giao thừa để cúng Thành hoàng, buổi sáng Mùng 1 vào nhà thờ họ ra sao. Nhà thơ người Mỹ Kevin Bowen từng về làng Chùa ăn Tết từ ngày 29 đến chiều Mùng 1. Nhà văn Bruce Weigl thì ở dài hơn, trọn cả cái Tết như một người làng Chùa. Ông ấy cũng đi thăm mộ, cũng lì xì trẻ con và người già, đi đến từng nhà chúc Tết và… uống rượu say bí tỉ (cười).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với Nhà thơ người Mỹ Kevin Bowen trong một bức ảnh chụp năm 2017. Ảnh: NVCC
 

Ăn Tết ở làng Chùa, Bruce Weigl nói rằng có một điểm chung giữa người phương Tây và người phương Đông, cụ thể là người Việt, là mọi người đều đón năm mới với đầy niềm hứng khởi và sự hi vọng. Nhưng ở Việt Nam chứa đựng quá nhiều bí ẩn.

Khi Bruce Wiegl hay Kevin Bowen đi cùng chúng tôi ra nghĩa địa để mời ông bà, cha mẹ về ăn Tết thì tôi nói: Trong những ngày ấy, cả làng không nhà nào đóng cổng. Ông nhìn mà xem, những người đã khuất đang trở về trên chính con đường này. Cả hai ông ấy chắp tay cầu khấn. Có lẽ họ cảm thấy, nhìn thấy những người đã khuất của cái làng này, của các gia đình đang trở về, khăn xếp áo the, lũ lượt trở về nhà ăn Tết, từ người già, người trẻ. Những buổi chiều ấy nó linh thiêng trong mỗi gia đình.

Sau khi ăn Tết ở Việt Nam, Bruce Weigl nói là ông đã học được một lịch sử, một nền văn hóa cực kỳ đặc biệt và lớn; giúp ông lý giải nhiều điều trong xã hội và cũng có thể mang lại cho ông những suy nghĩ về sự gắn kết cộng đồng ở một nước, một nền văn hóa khác.

PV: Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc ông và gia đình một năm mới An khang - Thịnh vượng.

* Ảnh trong bài: Phùng Nguyễn - FB Nguyễn Quang Thiều

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tết Nguyên Đán là một điều kỳ diệu -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trò chuyện cùng phóng viên An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng.