Bế mạc kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIII: Dấu ấn lập pháp và tín nhiệm

Thứ Bảy, 29/11/2014, 07:02
Chiều qua, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc kỳ họp thứ 8 sau hơn một tháng làm việc. Là kỳ họp cuối năm, diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước, việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế còn nhiều lúng túng, an ninh tài chính, tiền tệ, nợ công, nợ doanh nghiệp, cân đối ngân sách chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.., Quốc hội đã thực hiện khối lượng công việc lớn để thảo luận, biểu quyết, gồm lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Riêng về lập pháp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Đây là số lượng dự án luật lớn nhất được xem xét thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp từ trước đến nay (bình thường các kỳ họp chỉ thông qua trên dưới 10 dự án luật). Trong số đó có nhiều dự án quan trọng, liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp... theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp mới như: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự... Hai dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, sau khi Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 thì tại kỳ này tiếp tục được Quốc hội thảo luận, chỉnh lý và thông qua: dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật CAND sửa đổi. Nhiều nội dung mới được quy định trong Luật CAND sửa đổi, trong đó luật cụ thể hóa quy định về trần cấp bậc hàm sĩ quan giữ các chức vụ trong CAND, nhất là đối với các chức vụ có cấp bậc hàm sĩ quan cấp tướng, đảm bảo sự chặt chẽ, khoa học.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp, Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm vấn đề nợ công. Tại hội trường cũng như trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, các đại biểu bày tỏ sự lo ngại, trong đó có những hoài nghi. Đây cũng là chủ đề nóng được đại biểu gửi câu hỏi chất vấn trực tiếp Thủ tướng Chính phủ. Giải đáp vấn đề này, Thủ tướng chỉ rõ, nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách Nhà nước chi cho đầu tư phát triển (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%). Rất nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và nhiều công trình đang xây dựng, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao. Thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội; nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng cho biết sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công. Giải đáp của Thủ tướng đã làm rõ những băn khoăn của đại biểu, tránh những hoài nghi, lo lắng gây ảnh hưởng không tốt.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và các đại biểu Công an dự kì họp Quốc hội. Ảnh: Hoàng Long .

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015”. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng được thảo luận tại tổ và hội trường. Riêng chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, với số vốn lớn trong khi ngân sách Nhà nước eo hẹp, hầu hết các đại biểu Quốc hội khẳng định, chủ trương đầu tư là cần nhưng chưa cấp thiết, để sau này có điều kiện tài chính triển khai vẫn chưa muộn. Cần dành những khoản tiền này cho an sinh xã hội và các dự án dân sinh khác, những năm tới chỉ cần phá bỏ sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì vẫn đảm bảo nhu cầu sử dụng thêm đến vài thập kỷ nữa. Việc đưa những đề án lớn ra bàn luận, quyết định tại Quốc hội là cần thiết, vừa là yêu cầu luật định, vừa thể hiện cách làm việc cẩn trọng, chặt chẽ, tránh những lợi ích nhóm (nếu có) “cài đặt” sau đề án.

Lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai tại Quốc hội một lần nữa chứng minh ý nghĩa “cảnh tỉnh, răn đe” của hoạt động này. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã là hình thức giám sát rất tốt của Quốc hội đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành. Quan sát trong thực tiễn thì có thể thấy những người được lấy phiếu tín nhiệm, đặc biệt là ở các cơ quan hành pháp đều đã rất nỗ lực khắc phục những khiếm khuyết của mình, thể hiện ít nhất là qua lá phiếu của Quốc hội bỏ lần trước. Một số vị trí lần trước mà có phiếu tín nhiệm thấp thì lần này đã có sự bứt phá để sửa chữa trong lĩnh vực của mình và đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, điển hình như “tư lệnh” ngành Ngân hàng, Giao thông vận tải… Tuy nhiên, ở những vị trí có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì đây cũng là sự cảnh tỉnh cần thiết.

Chất vấn tại kỳ này “gói” trong 5 thành viên Chính phủ, trong đó việc bố trí mỗi Bộ trưởng có hẳn một buổi để trả lời chất vấn đã đảm bảo được thời gian hỏi đáp tại hội trường tăng đáng kể. Việc nhận trách nhiệm về hạn chế, yếu kém cũng đã thẳng thắn hơn, dù không dễ để có những bứt phá. Tuy vậy, sự sinh động của chất vấn chỉ có được khi tăng yếu tố đối đáp trực tiếp, mỗi đại biểu có thể hỏi nhiều lần chất vấn của mình. Cách làm hiện nay vẫn là “gom” rất nhiều chất vấn rồi Bộ trưởng trả lời từng nhóm một, điều này ưu điểm là nhiều người được hỏi nhưng lại thường gây sự dàn trải, tẻ nhạt.

Quốc hội kỳ này cũng đã thảo luận, thông qua hai nghị quyết liên quan về quyền con người. Trong ngày làm việc cuối cùng, với 100% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Nghị quyết phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật. Trong đó, Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, các đại biểu Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ là: Việt Nam không coi Công ước chống tra tấn là cơ sở pháp lý trực tiếp trong việc dẫn độ và trong lĩnh vực hình sự. Đối với Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật, các đại biểu khẳng định, việc phê chuẩn Công ước tiếp tục khẳng định sự tuân thủ và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật. Việc thông qua các công ước này thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, đồng thời đây là những minh chứng cụ thể phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu luôn sử dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam.

Chỉ lấy phiếu tín nhiệm 5 năm 1 lần

Trong phiên làm việc chiều 28/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Theo Nghị quyết sửa đổi, Quốc hội chỉ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 1 lần/nhiệm kỳ vào cuối năm thứ 3. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, áp dụng quy định này ngoài việc khắc phục những hạn chế của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hằng năm theo quy định hiện hành còn có thuận lợi là sẽ kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ của các tổ chức Đảng, làm cơ sở cho việc quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho khóa tiếp theo. Quy định lấy phiếu tín nhiệm một lần/nhiệm kỳ, sẽ tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI).

Về mức độ tín nhiệm, trước đó, thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị chỉ gói lại 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, đồng thời lấy phiếu 2 lần một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập luận, quy định 3 mức độ tín nhiệm nhằm phân biệt rõ tính chất khác nhau giữa việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm nhằm xác định hệ quả của hoạt động này, xem đây là một bước chuẩn bị trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ.

Nghị quyết được sửa đổi lần này quy định hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm như sau: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Đ.Trường
.
.
.