Mức ăn của người bị tạm giữ, tạm giam dịp lễ, tết cao gấp 5 lần

Thứ Hai, 01/12/2014, 11:02
Đây là nội dung quy định trong dự án Luật Tạm giữ, tạm giam (TGTG) – dự luật được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo sáng nay (1/12) tại Hạ Long, Quảng Ninh. Đại diện các cơ quan chức trách của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện KSND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các nhà khoa học, nghiên cứu đã có các tham luận trình bày tại hội thảo.

TGTG là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, do cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người bị bắt quả tang, khẩn cấp, bắt truy nã, người phạm tội tự đầu thú; đối với bị can, bị cáo để cách ly họ ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định nhằm ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội hoặc để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm thi hành án. TGTG là các biện pháp ngăn chặn có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do, dân chủ của cá nhân. Tuy nhiên, việc tạm giữ, tạm giam lâu nay được thực hiện theo Quy chế ban hành theo Nghị định số 98/2002/NĐ-CP của Chính phủ mà chưa có luật điều chỉnh. Vì vậy, việc xây dựng dự luật được khẳng định là cần thiết, đảm bảo tính pháp lý cho việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và đúng với quy định tại khoản 2, Điều 20 của Hiến pháp. Dự luật được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Quốc phòng, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Tư pháp … phối hợp soạn thảo. Việc tổ chức hội thảo của Ủy ban tư pháp – cơ quan thẩm tra dự án luật nhằm làm rõ định hướng xây dựng dự án luật.  

Đại diện Cục Pháp chế, Bộ Công an cho biết, việc xây dựng dự án luật quán triệt 4 quan điểm chỉ đạo cơ bản, trong đó đã tổng kết đầy đủ và toàn diện về tổ chức và hoạt động quản lý, giam giữ ở nước ta trong những năm qua, kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý  giam giữ hiện nay và thời gian tới. Đặc biệt, dự luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác.
Các đại biểu dự hội thảo “định hướng xây dựng dự thảo Luật TGTG”. Ảnh Đ.T.

Theo dự luật, hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong TGTG quy định: trong CAND có trại TGTG và trại giam thuộc Bộ Công an; trại tạm giam thuộc Công an tỉnh; nhà tạm giữ thuộc Công an cấp huyện. Trong QĐND có trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Quân khu, Quân đoàn, nhà tạm giữ thuộc cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội và buồng tạm giữ thuộc Đồn Biên phòng.  

Dự luật này quy định các quyền cơ bản của người bị TGTG. Trong đó, chế độ ăn, ở của người bị TGTG cũng được quy định rõ. Tại Điều 40 của dự luật xác định, người bị TGTG được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chất đốt. Ngày lễ, tết, người bị TGTG được ăn thêm nhưng mức ăn không quá 5 lần theo tiêu chuẩn ăn ngày thường. Luật cho phép thủ trưởng cơ sở TGTG có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù hợp với thực tế để bảo đảm cho họ ăn hết tiêu chuẩn. Ngoài tiêu chuẩn nói trên, người bị TGTG được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá hai lần định lượng trong một tháng cho mỗi người. Người bị TGTG ở trong buồng giam theo quy định, chỗ nằm tối thiểu của mỗi người là 2 mét vuông.

Người bị TGTG được nhận tiền mặt, đồ vật do thân nhân gửi hai lần trong mỗi tháng. Cơ sở TGTG có trách nhiệm tiếp nhận tiền mặt, đồ vật mà thân nhân của người bị TGTG gửi cho họ và bóc, mở kiểm tra theo quy định. Người bị TGTG chỉ được gửi và nhận thư khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép, thư phải để mở và qua kiểm tra của thủ trưởng cơ sở TGTG…  

Cục hướng dẫn TGTG đề nghị đề nghị cơ bản giữ nguyên trại TGTG ở Công an cấp tỉnh như hiện nay, kiện toàn về tổ chức, bộ máy, xây dựng các chức danh cán bộ để triển khai khi luật được thông qua. Đề nghị thay đổi tên trại TG, nhà TG cho phù hợp.

Hội thảo nghe các tham luận đại diện Cục TGTG (Bộ Công an), Bộ đội Biên phòng, Vụ Kiểm sát TGTG thuộc Viện KSND tối cao, đại diện khoa luật Học viện Cảnh sát, khoa luật Đại học quốc gia, Học viện Tư pháp…

Đ.Trường
.
.
.