Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Sẽ không bỏ chất vấn trong kỳ họp tới

Thứ Tư, 15/07/2015, 08:01
Sáng 14/7, phiên họp thứ 39 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến đánh giá kỳ họp thứ 9, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII và xem xét thành lập một số toà án nhân dân cấp huyện, thị xã.

Được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá là một kỳ họp có nhiệm vụ rất nặng nề, tại kỳ họp thứ 10 tới, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua 27 dự án luật và hàng chục Nghị quyết, trong đó có những dự án cực kỳ quan trọng như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự...

Bên cạnh đó, kỳ họp cuối năm phải xem xét tình hình KT - XH, đối ngoại của đất nước trong năm 2015 và 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, bàn nhiệm vụ 2016 cũng là năm đầu của kế hoạch 5 năm tiếp theo. Đây cũng là năm Quốc hội phải làm công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc và chuẩn bị cho bầu cử. Với những lý do này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng phải sắp xếp thời gian hết sức khoa học và chuẩn bị kỹ càng trước kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, để nâng cao chất lượng thảo luận khi xây dựng luật nên bố trí cho trưởng ban soạn thảo phát biểu sau khi Quốc hội thảo luận để bảo vệ chính sách mình đề xuất hoặc tiếp thu ý kiến các đại biểu. Bên cạnh đó, cần hạn chế việc đại biểu đọc các bài phát biểu chuẩn bị sẵn, nhiều bài thậm chí trùng nhau để tăng tính tranh luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhất trí nên tăng tính tranh luận, nhưng không nhất thiết phải “bài” chuyện chuẩn bị sẵn bằng văn bản, bởi nhiều bài được chuẩn bị rất công phu, sâu sắc. Dù có một số ý kiến đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không nhất trí với phương án bỏ chất vấn tại kỳ họp này. “Tôi cho rằng kỳ họp nào cũng phải có chất vấn, vì quyền chất vấn là của đại biểu. Bên cạnh đó, tôi chưa hài lòng về kết quả chất vấn, nhiều vấn đề lặp đi lặp lại nhưng trả lời vẫn thế, thực trạng không rõ, hiệu quả không rõ, trách nhiệm càng không rõ” – ông Phan Trung Lý bày tỏ.

Trong phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thành lập một số Toà án nhân dân cấp huyện, thị xã thuộc tỉnh.              

Cũng trong phiên làm việc này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã đọc tờ trình về chế độ phụ cấp lãnh đạo, quản lý; bổ sung biên chế, chế độ tiền lương và phụ cấp của chức danh pháp lý; chế độ cấp phát và sử dụng trang phục của Viện Kiểm sát nhân dân và báo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp...

Nam Phương
.
.
.