Hàng chục tác phẩm văn học mới về đề tài lực lượng Công an

Thứ Ba, 21/04/2015, 08:24
Một tháng là quãng thời gian ngắn trong hoạt động sáng tác văn chương nhưng đó lại chính là “thời hạn” mà các nhà văn dự trại sáng tác “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 3 do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) phải hoàn thành các tác phẩm của mình.

Bằng quá trình chuẩn bị, sự lao động miệt mài trước và trong thời gian dự trại của 46 nhà văn, cũng như sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Chính trị CAND, Hội Nhà văn Việt Nam, sự phối hợp, giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Công an tỉnh Nghệ An,… những thành quả ngọt ngào - hàng chục tác phẩm hoàn chỉnh, có chất lượng cao đã được ra đời từ đây.

Ban tổ chức cùng các đại biểu và các nhà văn tham dự trại sáng tác.

Ngoài một số nhà văn đã tham dự các trại sáng tác trước như các nhà văn Tôn Ái Nhân, Phan Quế, Nguyễn Hiếu, Phạm Quang Đẩu, Đỗ Thị Hiền Hòa, Nguyễn Đăng An, Thanh Hương… thì trại sáng tác lần này còn có thêm nhiều gương mặt mới và trẻ như Vũ Thị Hồng, Thu Trang, Nguyễn Quang, Sỹ Chân, Phan Lưu, Phạm Thuận Thành, Hữu Phương, Nguyễn Trọng Tân, Thế Đức, Nguyễn Thị Ngọc Hà… Đặc biệt, cũng trong trại lần này, Ban tổ chức đã mời Ban sơ khảo, Hội đồng chung khảo dự trại và đồng hành cùng các tác giả. Các nhà văn như Phạm Khải, Nguyễn Khắc Trường, Ngô Vĩnh Bình, Đào Thắng, Bùi Việt Thắng, Lê Minh Khuê, Nguyên An, Phạm Hoa… đã bám trại cùng với các nhà văn, giúp chỉnh sửa để các tác phẩm dự thi có được chất lượng cao hơn.

Cũng trong thời gian ở trại sáng tác, các nhà văn đã được Ban tổ chức bố trí các chuyến đi thực tế tại các phòng, ban chức năng của Công an tỉnh Nghệ An, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh Nghệ An, Công an TP Vinh, Trại giam số 3, số 6 Tổng cục VIII; giao lưu cùng các thầy cô giáo và các em học sinh chuyên văn Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Tuy thời gian thực tế ở các đơn vị không dài nhưng các nhà văn đã thu thập được nhiều điều bổ ích, mà từ đây sẽ hình thành được những trang tiểu thuyết, truyện ngắn và bút ký hay về những hoàn cảnh, những số phận khác nhau của các nhân vật mà nhà văn đã tiếp xúc.

Trại viết lần này có các nhà văn, các tác giả từ trong Nam ra, có người từ ngoài Bắc vào, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều tính cách khác nhau, nhưng khi ở đây lại chung nhau một tâm huyết là viết được những tác phẩm hay về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

Nhà văn Tôn Ái Nhân với vốn liếng nhiều năm thu gom được từ những trang sử oanh liệt của Công an Việt Nam, Công an Hà Nội trong cuộc chiến chống bọn đối địch để bảo vệ thành quả cách mạng thời điểm trước, trong và sau khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đang gấp rút hoàn thiện tiểu thuyết tư liệu có tên là “Bão gầm trên đất rồng bay”, dự kiến khoảng 700 trang in.

Bên cạnh đó, các nữ nhà văn tham dự trại sáng tác lần này cũng chiếm một số lượng đông đảo. Cao tuổi nhất là Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng. Năm 1990, trong khuôn khổ cuộc thi do Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) tổ chức, nhà văn Vũ Thị Hồng đã được trao giải A cho tiểu thuyết tư liệu “Trở lại là em”. Năm nay, nữ nhà văn đã tham gia trại sáng tác với nội dung về cuộc sống nhiều bươn chải của người phụ nữ Việt trong chiến tranh và đi ra từ chiến tranh qua tiểu thuyết “Mùa thu ở lại”.

Nhà văn nữ Thu Trang thuộc lực lượng Công an, sau “Một kiếp lênh đênh” và một số tập truyện ngắn và thơ in trước đây, lần này về trại, chị tham gia với những trang truyện kí “Dấu tích một thời”, dựng lại chân dung một chiến sĩ Công an tiền phương ở Liên khu I Bắc Giang thời kháng chiến chống Pháp…

Phát biểu tại lễ bế mạc Trại sáng tác văn học “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 3, Trung tướng Bùi Bá Định, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND cho biết: “Theo đánh giá của Hội đồng chỉ đạo, thời gian gần đây, cuộc thi “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã có nhiều nét đổi mới đáng mừng. Đó là tác phẩm của các nhà văn mở rộng đề tài, thể loại, quan niệm về bình yên cuộc sống, đến hạnh phúc gia đình và xã hội. Đặc biệt, nhiều tác phẩm phản ánh cuộc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm giữa thời bình mạnh mẽ, quyết liệt và bám sát thực tế hơn; tứ và cốt truyện cũng có sự đổi mới về bút pháp nghệ thuật, tinh tế, thẩm mỹ và đã gặt hái thành công bằng nhiều tác phẩm có chất lượng”.

Trong suốt thời gian ở trại sáng tác, các nhà văn đã được trải nghiệm những màu sắc của tiết trời vùng biển Cửa Lò, Nghệ An. Có nắng, có mưa, có nóng, có lạnh, có những đêm gió về, có những chiều hoàng hôn tuyệt đẹp… Và trong không gian ấy, những câu chuyện trong những trang viết của họ, hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân cũng hiện lên thật đẹp, có chiến đấu, có hi sinh, gian khổ, nhưng luôn luôn kiêu hùng vì cuộc sống bình yên của nhân dân từng ngày, từng giờ.

Cảnh Vũ
.
.
.