Công an tỉnh Quảng Ninh:

Giao chỉ tiêu thi đua nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông

Thứ Tư, 17/11/2004, 07:35

Sau 10 tháng triển khai kiến "giao chỉ tiêu" thi đua về phấn đấu làm giảm tai nạn giao thông (TNGT), TTATGT trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể. Giám đốc Công an tỉnh - Đại tá Nguyễn Hữu Tước – đã trả lời phỏng vấn Báo CAND.

- Thưa đồng chí, với 3 tiêu chí: Giảm về số vụ, số người chết, bị thương, đến nay, việc thực hiện phương án "giao chỉ tiêu" thi đua làm giảm tai nạn giao thông của tỉnh đã rút ra kinh nghiệm gì?

- Quảng Ninh có trục đường quốc lộ 18A chạy qua nhiều khu dân cư từ Đông Triều đến Móng Cái, qua thành phố Hạ Long và hầu hết các huyện, thị xã của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn có các tuyến đường thông thương với Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình và các tuyến nội huyện dài gần 2.000 km. Đây là huyết mạch giao thông quan trọng nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với sự gia tăng rất nhanh của các phương tiện giao thông, tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến rất phức tạp.

Để thực hiện NQ13/CP của Chính phủ một cách hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương và giao chỉ tiêu thi đua về giảm tai nạn giao thông. Công an tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức ký kết giao các chỉ tiêu thi đua về đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho Công an các đơn vị, địa phương. Theo đó, lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương, đơn vị phấn đấu giảm tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương ở con số nhất định.

Các đơn vị đã chủ động sáng tạo nhiều hình thức thiết thực như phối hợp tuyên truyền công khai, tổ chức ký kết, in ấn, phổ biến một cách dễ hiểu tờ rơi trong nhân dân, trong các cơ quan, doanh nghiệp và cùng các ngành chức năng khắc phục giải quyết những "điểm đen" trên các tuyến giao thông. Mỗi hộ dân, trường học đều tổ chức học tập Luật Giao thông và ký cam kết thực hiện. Lực lượng CSGT trật tự được tăng cường biên chế, tổ chức tập huấn sâu về nghiệp vụ và phong cách công tác. Tỉnh và các địa phương đã dành ngân sách đầu tư các phương tiện tuần tra kiểm soát, xử lý trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng bên cạnh công tác tuyên truyền thì việc tăng cường kiểm tra, lấy xử lý, phạt tiền, giữ xe, có hiệu quả khá rõ rệt làm chuyển biến ý thức chấp hành luật lệ ATGT.

Qua 10 tháng, toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 94.291 trường hợp vi phạm Luật ATGT (tăng 45.000 trường hợp so với 10 tháng năm 2003). Tình hình TTATGT có những chuyển biến cụ thể: Số vụ tai nạn giao thông giảm 66 vụ (38%), số người chết giảm 49 người (29%), bị thương giảm 64 người (55%). Quảng Ninh luôn duy trì được là một trong những tỉnh giảm cả 3 chỉ tiêu về an toàn giao thông.

- Dư luận cho rằng, có đơn vị đã giấu số lượng các nạn nhân để không ảnh hưởng đến thành tích thi đua. Việc này được giải quyết như thế nào?

- Khi giao chỉ tiêu, chúng tôi cũng tính tới điều này nên đã đề ra cơ chế kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu số liệu với Ban An toàn giao thông, với Viện Kiểm sát nhân dân, với các bệnh viện trên địa bàn. Nếu phát hiện đơn vị nào che giấu sẽ phạt danh hiệu thi đua, đồng thời có những hình thức xử lý với thủ trưởng đơn vị. Mặt khác, chúng tôi lập đoàn kiểm tra trực thuộc Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra, đối chiếu thường xuyên và đột xuất.

- Theo đồng chí, bên cạnh việc phát huy các thành quả của việc "giao chỉ tiêu", Quảng Ninh cần phải có những mô hình mới nào nữa để đẩy lùi TNGT xuống mức thấp nhất?

- Biện pháp này hiện vẫn đang có hiệu quả cần tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn của các cấp, các ngành, đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp hơn Luật An toàn giao thông đến nhân dân, bên cạnh việc xử lý mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa những hành vi sai phạm

Hạ Long (thực hiện)
.
.