Dự án bảo tồn Cổ Loa: Bảy năm vẫn ngủ yên

Chủ Nhật, 07/11/2004, 20:26
Chỉ có một vài trong số 20 hạng mục của Thành Cổ Loa được tu bổ, cải tạo. Nhiều chỗ thành lũy đã bị dân đào, lấy đất tôn nền làm nhà. Có hộ còn xây nhà trên mặt thành. Một số công trình bị xâm hại và  xuống cấp như đền Thượng, am Mỵ Châu, giếng Ngọc, chùa Cổ Loa... Khu trung tâm đã bị một số bà con xóm Chùa, xóm Chợ xây dựng lấn chiếm.

Năm 2002, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010 được Chính phủ phê duyệt đã xác định khu di tích Cổ Loa là một trong 17 khu du lịch chuyên đề của Việt Nam. Cổ Loa sẽ trở thành trung tâm của tam giác tăng trưởng kinh tế du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long. Di tích này đã được Nhà nước xếp hạng A1 cấp quốc gia và là một trong những công trình được trùng tu xây dựng chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Thực ra ngay từ năm 1997, được sự đồng ý của Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo gồm 10 cơ quan, ban, ngành của thành phố để thực hiện dự án "Bảo tồn, tôn tạo và xây dựng khu di tích Cổ Loa thành khu du lịch chuyên đề quốc gia". Ý nghĩa lớn lao, công sức đầu tư bài bản như thế, vậy mà, đã 7 năm trôi qua mới chỉ có một vài hạng mục được tu bổ, cải tạo.

Diện tích của di tích Cổ Loa rộng hơn 800 ha, có tới 20 hạng mục cần phải đầu tư cải tạo. Nếu không triển khai thực hiện ngay từ bây giờ thì e rằng gần đến ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, những đơn vị thực hiện dự án này có tăng tốc để chạy đua với thời gian thì cũng khó mà kịp hoàn thiện đảm bảo chất lượng công trình. Chúng ta đã có những bài học đau xót về việc xây dựng gấp gáp một số công trình cho kịp chào mừng các ngày lễ lớn, để rồi sau đó phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc như việc xây dựng tượng đài Điện Biên Phủ.

Nằm trong quần thể di tích Cổ Loa có bức tường thành cổ.  Đây là di tích độc đáo duy nhất ở Hà Nội được đắp bằng đất, có hình dáng mang đậm nét kiến trúc của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Thành cổ gồm có 3 vòng lũy xoáy ốc với nhiều gò đất và hệ thống hào nước chạy dọc tường thành. Tổng chiều dài của thành cổ khoảng 15.820m (gồm Thành Nội, Thành Trung, Thành Ngoại). "Thi gan cùng tuế nguyệt" hơn 2.000 năm, hiện nay bức tường thành và các công trình khác đã bị xâm hại nghiêm trọng. Không chỉ cảnh quan bị phá bỏ, môi trường cũng bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án của Chính phủ có các mục tiêu rất nhân văn như: Nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho nhân dân xã Cổ Loa và vùng lân cận; bảo tồn di tích di sản văn hóa dân tộc bao gồm di sản vật thể (di tích thành cổ và các công trình kiến trúc tưởng niệm, làng cổ...) và di sản phi vật  thể như các lễ hội truyền thống, ẩm thực dân tộc. Khi hoàn thiện, khu di tích này sẽ có các vườn trang trại, công viên truyền thuyết, khu du lịch sinh thái Đầm Cả, Bảo tàng Loa Thành. Tại khu vực công viên sẽ tái hiện lại truyền thuyết về câu chuyện tình của nàng Mỵ Châu. Nơi đây còn có những nhà nghỉ cao cấp với những vườn hoa, khu vui chơi giải trí văn hóa, tạo khung cảnh vừa mang tính truyền thống vừa hiện đại, sẽ làm hài lòng nhiều du khách trong và ngoài nước.

Được biết, tổng số vốn đầu tư cho dự án trên khoảng 50 triệu USD. Nhưng hiện nay, Sở Du lịch mới chỉ triển khai thực hiện một số hạng mục như tuyến đường cửa Tây, cửa Nam vào khu di tích. Tổng số tiền đầu tư cho việc xây dựng hai công trình trên là 63 tỷ đồng (Sở Du lịch đã giải ngân 43 tỷ đồng). 63 tỷ đồng tương đương hơn 4 triệu USD trong tổng số 50 triệu USD đầu tư cho dự án quả là còn quá nhỏ

Lệ Huyền
.
.
.