Một đêm cấp cứu 6 ca đột quỵ trẻ tuổi

Thứ Năm, 28/03/2024, 17:42

Những ngày gần đây, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai liên tục quá tải bởi tiếp nhận người bệnh. Đặc biệt, trong một đêm, các bác sĩ cấp cứu cho 6 ca đột quỵ trẻ tuổi.

Ngày 28/3, PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 6 ca đột quỵ nhập viện vào một đêm, người trẻ tuổi nhất là 32, người lớn tuổi nhất là 42. 

Nữ bệnh nhân 32 tuổi được đưa từ Hưng Yên lên cấp cứu trong tình trạng liệt nửa người trái hoàn toàn và nói ngọng giờ thứ nhất. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạnh cảnh giờ thứ nhất.

Một đêm cấp cứu 6 ca đột quỵ trẻ tuổi -0
PGS.TS Mai Duy Tôn đang tập phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ não.

Ca bệnh trẻ tuổi được đưa vào cấp cứu trong đêm là nam bệnh nhân 36 tuổi (quê ở Bắc Ninh, làm việc tại Phú Quốc). Anh này được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Phú Quốc ra Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng liệt nửa người, nói khó. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc động mạch cảnh trong. 

Theo BS Tôn, đây là bệnh lý hiếm gặp của mạch máu não, thường xuất hiện ở người từ 30-50 tuổi. Tuy đã được can thiệp, song bệnh nhân tiến triển chậm. Nếu bệnh nhân đi tầm soát đột quỵ sớm sẽ không dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Cùng thời điểm đó, Trung tâm tiếp nhận nam thanh niên 32 tuổi nhập viện trong tình trạng liệt nửa người và không nói được. Nam thanh niên đang chơi cầu lông với bạn thì đột ngột liệt nửa người và nói khó, được bạn đưa thẳng vào Trung tâm Đột quỵ.

Đến viện trong "giờ vàng" - 1h sau khi có triệu chứng - nam thanh niên được chẩn đoán nhồi máu não cấp. Sau 30 phút trong phòng can thiệp, động mạch não giữa phải đã được tái thông hoàn toàn. Nhờ đến viện sớm, bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn.

Nặng nhất là ca cấp cứu trong đêm cho nữ bệnh nhân 40 tuổi chuyển từ tuyến dưới lên. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không dùng thuốc. Trong ca làm việc ban đêm, bệnh nhân đột ngột đau đầu và hôn mê. Khi đưa vào bệnh viên tuyến dưới, huyết áp của bệnh nhân lên tới 240/200 mmHg. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Nữ bệnh nhân được chẩn đoán chảy máu đồi thị phải - cuống não với thể tích máu tụ 60ml và có tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong.

Để phòng chống đột quỵ ở người trẻ tuổi, PGS.TS Mai Duy Tôn khuyến cáo, người trẻ cần thường xuyên vận động, tập thể dục, kiểm soát cân nặng, bỏ hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh.

Tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ như: Tim mạch, mỡ máu, tiểu đường, huyết áp...

Khi có các biểu hiện đột quỵ như chân tay yếu, nói khó, nói ngọng, đau đầu, chóng mặt...thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị trong "giờ vàng".

Trần Hằng
.
.
.